Khi đi qua các trạm thu phí ở thành phố San Francisco, tôi thấy đây đều là các trạm không dừng, không có barier ngăn xe qua lại. Tôi lái xe trong tâm trạng rất lo lắng, không biết chiếc xe mình thuê đã gắn thiết bị trả phí tự động chưa. Không có lựa chọn khác, tôi lái xe thẳng qua trong nỗi sợ bị dừng phạt.
Tới khách sạn ở San Francisco, tôi gọi điện cho công ty cung cấp dịch vụ thuê xe. Họ trả lời rằng tôi hãy yên tâm. Dù xe có được gắn thiết bị tính phí hay không thì biển số xe của tôi đã được ghi nhận khi qua trạm. Hoá đơn phạt sẽ được gửi về trong 21 ngày kể từ khi tôi đi qua. Tôi sẽ phải thanh toán khoản phí này trước thời hạn, nếu không, phải nộp các khoản phạt phụ trội rất cao sau mỗi lần quá hạn.
Các xe qua trạm đều không thể dùng tiền mặt để thanh toán dù muốn hay không. Không có khoản tiền nào bị thất thoát. Ngược lại, mọi giao dịch đều thông qua hệ thống nhận diện và thanh toán điện tử, rõ ràng và minh bạch.
Ở Việt Nam, tôi cũng sớm sử dụng hệ thống thu phí tự động (VETC). Tôi biết đến VETC cách đây năm năm và bắt đầu sử dụng từ năm 2020. Từ đó, tôi nhiều lần phân tích những lợi điểm của thu phí không dừng cho đồng nghiệp trong công ty, bạn bè và người thân, khuyến khích nhiều người trong số họ sử dụng.
Lợi ích của thu phí không dừng là rõ ràng. Thu phí bằng tay từ lâu đã làm giảm ý nghĩa của đường cao tốc. Ở Việt Nam, chúng ta hay hỏi nhau từ điểm A tới điểm B bao nhiêu km, một phần vì thời gian đi đường ở Việt Nam khó xác định do quá nhiều nút tắc. Ở các nước tiên tiến tôi đi qua, họ hỏi nhau từ điểm A tới điểm B hết bao lâu. Hai tiếng lái xe hay chỉ dăm phút đi bộ là những cách trả lời phổ biến.
Dịp lễ cuối tháng 4 đầu tháng 5 là thời điểm các trạm thu phí trên khắp đất nước thường phải xả trạm nhiều giờ liền để giảm ùn tắc, thất thoát cho ngân sách không nhỏ. Tôi hay về quê trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mới, mất 75 phút cho 105 km. Những ngày lễ ùn tắc, thời gian này kéo dài hơn nhiều, đặc biệt ở các trạm thu phí nơi xe nối đuôi nhau chờ qua.
Trạm thu phí không dừng góp phần giúp người tham gia giao thông tối ưu hóa thời gian di chuyển. Đặc biệt trong đại dịch Covid, hệ thống này mang lại "lợi ích kép" cho tôi và nhiều người sử dụng, khi không phải tiếp xúc với bất kỳ ai.
Thu phí không dừng là xu thế toàn cầu và mang lợi ích lớn nhưng Việt Nam triển khai ì ạch suốt nhiều năm qua. Nhiều nguyên nhân được đưa ra trong đó có quán tính trì trệ của cả doanh nghiệp BOT lẫn người sử dụng phương tiện. Không ai muốn làm khi lợi ích chưa tường minh mà quyền lợi trước mắt có thể bị ảnh hưởng. Đối với doanh nghiệp BOT là quyền thu phí và mức doanh thu. Với chủ xe là thời gian chờ đăng ký dán mã lần đầu và việc ngại dùng ứng dụng công nghệ trong thanh toán.
Để thúc đẩy quán tính trì trệ này đòi hỏi một biện pháp mạnh từ chính phủ. Tôi rất mừng khi thấy từ ngày 5/5, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Công ty quản lý và khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tạm dừng thu phí thủ công để chuyển sang áp dụng thí điểm hình thức thu phí điện tử không dừng (ETC). Đây là động thái mạnh tay bởi từ nay, chỉ có các phương tiện tham gia giao thông sử dụng dịch vụ thu phí điện tử và đã nạp đủ tiền vào tài khoản mới lưu thông được trên cao tốc mang tính huyết mạch này.
Cách làm "mạnh tay" nên được triển khai rộng ở một số tuyến cao tốc khác. Nỗi lo lắng giờ đây là các xe chưa dán thiết bị thu phí thì sao? Không lẽ ngăn cấm họ qua lại. Nỗi lo này có cơ sở khi hiện chỉ 57%, tức khoảng gần 2,6 triệu phương tiện đã dán thẻ dịch vụ không dừng trong số gần 5 triệu xe. Trong số phương tiện đã dán, chỉ 60% đã nạp tiền vào tài khoản.
Kinh nghiệm của tôi ở Mỹ gợi mở một chính sách hợp lý khác. Chúng ta thậm chí hoàn toàn có thể cho các xe chưa dán mã đi qua và áp dụng hình thức phạt sau, như cách phạt nguội vi phạm giao thông hiện nay. Những xe chậm nộp sẽ bị truy thu mỗi khi xe đến hạn đăng kiểm. Ở Việt Nam, nhiều chủ xe đã bị truy thu tới hàng chục triệu tiền phạt khi đi đăng kiểm. Điều này có thể áp dụng tương tự ở các trạm thu phí với hệ thống nhận diện biển số như nhận diện vi phạm giao thông.
Trong khi tại Việt Nam, chậm đóng phí chưa tới mức bị phạt như ở Mỹ, mô hình phạt trả chậm nên được xem xét. Những chính sách nghiêm khắc sẽ tạo đà cho sự chuyển biến của toàn hệ thống vì mô hình thu phí tự động là xu thế không thể đảo ngược.
Một ngày, tôi sẽ kể cho con cháu mình nghe về một thời từng phải dừng chờ ở các trạm thu phí để được trả lại những đồng tiền lẻ, như chuyện ngày xưa xa xôi.
Lê Trần Quỳnh