20 tháng kể từ khi Covid-19 khởi phát, thế giới có hai loại thuốc uống đặc trị đầu tiên. Tháng này, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh đã phê duyệt khẩn cấp molnupiravir dành cho người nhiễm nCoV. Ở bệnh nhân trưởng thành có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, thuốc giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện và tử vong.
Pfizer sau đó cũng công bố kết quả thử nghiệm thuốc kháng virus paxlovid. Thuốc giúp giảm 89% nguy cơ nhập viện và tử vong ở người dễ mắc Covid-19 nhất.
Ngoài những con số, hai loại thuốc kháng virus có sự khác biệt cơ bản. Molnupiravir làm gián đoạn quá trình nCoV nhân lên. Nó sao chép một khối cấu trúc của vật liệu di truyền virus. Do đó khi virus sinh sản sẽ kết hợp "nhầm" với RNA của thuốc. Điều này tạo ra lỗi trong mã di truyền. Tích tụ đủ lỗi, nCoV ngừng sinh sản, bị triệt tiêu hoàn toàn trong cơ thể người.
Paxlovid cũng ngăn chặn virus nhân lên, nhưng theo cơ chế khác. Nó liên kết và ngăn chặn hoạt động của một enzym gọi là protease. nCoV cần enzym để tiếp tục sinh sản.
Các loại thuốc kể trên còn giúp điều trị các bệnh ngoài Covid-19. Molnupiravir và các dòng thuốc tương tự hiệu quả với bệnh do virus RNA gây ra. Trong khi đó, Pfizer là phương thuốc tiềm năng cho hầu hết các loại bệnh do corona, vì protease có trong phần lớn virus thuộc họ này. Nếu khả thi, nhân loại sẽ không còn phải đối mặt với bất cứ mầm bệnh họ hàng mới nào của SARS, MERS hoặc Covid-19 do đã có có vũ khí đặc trị trong tay.
Thuốc paxlovid và molnupiravir sẽ được sử dụng thế nào?
Dữ liệu Pfizer cung cấp chỉ là tạm thời, chưa được các nhà khoa học xem xét. Cơ quan quản lý sẽ cần thẩm định kỹ lưỡng kết quả này trước khi phê duyệt. Ngay cả khi toàn bộ quá trình diễn ra suôn sẻ, có thể đến năm sau thuốc mới ra mắt. Hiện molnupiravir là thuốc viên đầu tiên được cấp phép điều trị Covid-19.
Ưu thế của cả hai loại thuốc là sử dụng đường uống, khác biệt với các phương pháp hiện có, chẳng hạn kháng thể đơn dòng cần tiêm hoặc truyền tĩnh mạch. Bệnh nhân có thể dùng paxlovid và molnupiravir tại nhà cực kỳ dễ dàng.
Điều này đơn giản nhưng quan trọng, vì điều trị các bệnh nhiễm trùng cấp tính như Covid-19 hoặc cúm bằng thuốc kháng virus vốn phức tạp. Nguyên tắc chung là làm chậm virus để hệ miễn dịch có thời gian đánh bại chúng, trước khi mầm bệnh gây tổn hại quá nhiều đến cơ thể người. Tuy nhiên rất khó để làm điều này kịp thời.
Ví dụ, người mắc Covid-19 nên uống molnupiravir càng sớm càng tốt sau khi có kết quả dương tính (lý tưởng nhất là trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng). Paxlovid phát huy tác dụng vượt trội trong ba đến 5 ngày kể từ khi có triệu chứng. Tình trạng bệnh nhân xấu đi, phải đến bệnh viện để thở oxy tức là virus đã lan quá rộng. Lúc này, thuốc kháng virus không còn tác dụng nữa.
Thuốc cần được dùng cho đúng đối tượng. Bác sĩ không thể kê đơn molnupiravir và paxlovid tràn lan cho bất cứ ai mắc bệnh về hô hấp hoặc nhiễm nCoV. Điều này gây lãng phí và kém hiệu quả. Thay vào đó, họ cần nhanh chóng xác định những người phù hợp nhất với thuốc, cụ thể là người dễ chuyển nặng nếu mắc Covid-19.
Có thể trong thời gian tới, nếu hai loại thuốc được phê duyệt ở phạm vi rộng hơn, cơ quan quản lý các nước sẽ có hướng dẫn đầy đủ về cách kê đơn molnupiravir và paxlovid (chẳng hạn trên độ tuổi nhất định, hoặc ở người có hệ miễn dịch kém). Khi ấy, việc phát hiện sớm ca nhiễm ở các cộng đồng dễ bị tổn thương vẫn là điều tối quan trọng.
Đây chưa phải bước cuối cùng. Thế giới cần đảm bảo hệ thống y tế hoạt động hợp lý để sử dụng thuốc Covid-19 một cách hiệu quả nhất.
Thuốc Covid-19 trong tương lai
Vaccine đã rất thành công ngăn ngừa chuyển nặng và tử vong sau mắc Covid-19, nhưng thuốc đặc trị căn bệnh vẫn có ý nghĩa lớn. Vaccine không hiệu quả 100%, khả năng miễn dịch sau tiêm cũng suy yếu theo thời gian. Một số nhà khoa học thậm chí coi đây là phần tất yếu của cuộc sống bình thường mới. Do đó, có những người vẫn mắc Covid-19 nghiêm trọng dù đã tiêm chủng đầy đủ.
Họ là nhóm có bệnh nền, đang phải uống một số thuốc đặc trị khiến hệ miễn dịch không phản ứng đủ tốt với vaccine sau tiêm. Thuốc kháng virus có thể lấp đầy những lỗ hổng này, đóng vai trò như vũ khí bổ trợ cho vaccine.
Giới chuyên gia hy vọng có thêm nhiều loại thuốc đặc trị Covid-19. Tuy nhiên, thuốc kháng virus rất khó phát triển. Các nhà khoa học mất nhiều năm để tìm ra hợp chất hoá học tấn công virus, sau đó kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của chúng. Không giống thuốc kháng sinh phổ rộng, có thể dùng điều trị hàng loạt nhiễm trùng do vi khuẩn, các thuốc kháng virus hiếm khi tác dụng lên loại virus khác. Ví dụ, remdesivir, ban đầu được phát triển để điều trị viêm gan C, đã có lúc là ứng viên tiềm năng chữa Covid-19. Nhưng các thử nghiệm lâm sàng cho thấy nó kém hiệu quả.
Những thành công như molnupiravir và paxlovid rất quan trọng, giúp mở ra cánh cửa hy vọng mới. Các chuyên gia mong đợi sẽ có những đầu tư đột phá vào khoa học và kỹ thuật chống virus dựa trên nền tảng của các loại thuốc này.
Vấn đề tồn tại với các thuốc virus là tình trạng kháng thuốc, khi virus đã tiến hóa để thích nghi, không bị ảnh hưởng bởi thuốc. Lúc này, molnupiravir phát huy ưu thế. Với cơ chế bắt chước vật liệu di truyền và khiến nCoV nhầm lẫn, virus khó lòng tránh sai sót khi nhân lên, từ đó bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhưng giống với cuộc đấu tranh ngăn ngừa khủng hoảng kháng kháng sinh, sử dụng cẩn thận thuốc kháng virus trong giai đoạn tương lai của Covid-19 là điều cần thiết.
Thục Linh (Theo Conversation)