Mỗi năm, hơn 300 người Anh tử vong khi chờ đợi một trái tim tương thích. Bác sĩ tại Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) cho biết có một số giải pháp ít rủi ro, hiệu quả hơn nhằm mở rộng nguồn tạng hiến.
Một trong số đó là ghép tạng khác nhóm máu. Đây được coi là kỹ thuật tiên tiến nhất trong y học hiện đại, cho phép trẻ em nhận tạng từ người không cùng nhóm máu.
Kỹ thuật được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật Bệnh viện Newcastle’s Freeman và Bệnh viện Great Ormond Street, London. Về cơ bản, bệnh nhân được thay thế một phần máu của mình bằng nhóm máu người hiến tạng.
Thông qua máy lọc máu, bác sĩ sẽ lấy ra các kháng thể có thể tấn công cơ quan được hiến, từ đó giảm thiểu nguy cơ thải ghép. Phương pháp không thay đổi vĩnh viễn nhóm máu của bệnh nhân, nhưng cơ thể sẽ dần quen với cơ quan không tương thích. Hệ miễn dịch cũng không tấn công cơ quan đó.
Kỹ thuật này chưa được thực hiện ở người lớn, vì hệ thống miễn dịch trưởng thành thường nhạy cảm hơn với các yếu tố ngoại lai.
Một trong những người đầu tiên tại Anh được ghép tạng bằng phương pháp này là Lucy, 10 tuổi. Sinh ra với dị tật tim bẩm sinh, Lucy bị động kinh và không thể đi lại được dù khoảng cách ngắn. Em nằm trong danh sách chờ cấy ghép suốt ba năm rưỡi. Cuối cùng, đến tháng 4/2020, em được phẫu thuật thay tim khác nhóm máu.
"Kể từ khi phẫu thuật, con bé háo hức muốn thử mọi thứ để bắt kịp với chị gái lớn Freya. Con đã không có một tuổi thơ bình thường. Những điều đơn giản khiến tôi cảm thấy rất vui. Hôm trước, con có thể chạy nhảy như bao đứa trẻ khác. Con bé chưa từng làm điều này trước đây", Jenny, mẹ của em chia sẻ.
Niềm hy vọng thứ hai là thiết bị cho phép các bác sĩ "hồi sinh" những trái tim đã chết. Thông thường, bác sĩ phẫu thuật lấy tim từ bệnh nhân chết não khi tim còn đập. Điều này đảm bảo cơ quan ở trong tình trạng tốt nhất trước khi cấy ghép.
Nếu ngừng đập, tình trạng trái tim nhanh chóng xấu đi, không thể dùng trong cấy ghép do rủi ro quá cao. John Dark, giáo sư phẫu thuật lồng ngực tại Đại học Newcastle, cho biết: "Tim ngừng bơm máu càng lâu thì khả năng hỏng hóc càng lớn".
Thiết bị công nghệ cao được sử dụng trong phẫu thuật cấy ghép cho phép bác sĩ hồi sinh những trái tim đã ngừng đập, tăng số lượng tạng hiến.
Trái tim đặt trong một buồng vô trùng, gọi là Hệ thống Chăm sóc Nội tạng (Organ Care System) mô phỏng cơ thể con người. Tại đây, nó được nuôi bằng máu ấm có oxy qua các ống bơm. Trái tim sẽ đập trở lại bên ngoài cơ thể người, bơm chất dinh dưỡng đến khi sẵn sàng cấy ghép.
Tháng 2/2020, Anna Hadley, 15 tuổi, trở thành một trong những trẻ em đầu tiên được cấy ghép bằng kỹ thuật này. Cô được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim, tình trạng hiếm gặp khiến các ngăn tim căng cứng.
Ông Andrew, cha của cô, cho biết: "5 ngày sau ca cấy ghép, con có thể đi bộ lên xuống hành lang để trò chuyện với các nhân viên y tế. Thật khó tin".
Tuy nhiên, phương pháp này có một nhược điểm. Hệ thống Chăm sóc Nội tạng khá đắt đỏ, mỗi lần sử dụng tốn tới 42.000 USD, chỉ được triển khai khoảng 30 lần mỗi năm.
Sau khi lấy ra khỏi cơ thể, trái tim được đặt trên đá lạnh. Phương pháp hạ nhiệt độ giúp bảo quản cơ quan trong tối đa 4 giờ. Hệ thống Chăm sóc Nội tạng giữ trái tim sống thêm 12 giờ, song cơ quan này bắt đầu suy yếu sau 6 đến 8 giờ.
Đầu tháng 1, David Bennett, 57 tuổi, trở thành bệnh nhân đầu tiên trong lịch sử y khoa được ghép tim từ lợn. Ca phẫu thuật của ông Bennett trở thành niềm hy vọng đối với những người cần ghép tạng.
Tuy nhiên, đến ngày 8/3, ông Bennett qua đời. Bác sĩ chưa công bố nguyên nhân trực tiếp gây tử vong, họ không rõ liệu cơ thể bệnh nhân có từ chối trái tim lợn hay không.
Theo các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép từ NHS, xenotransplant - phẫu thuật ghép tạng từ động vật sang người, ẩn chứa nhiều rủi ro. Nó khả thi, song không phải lúc nào cũng thành công hoặc dễ dàng thực hiện.
Thục Linh (Theo Daily Mail)