Cấy ghép nội tạng là vấn đề nan giải trên toàn thế giới do khan hiếm bộ phận hiến tặng. Ở Mỹ, cứ 10 phút trôi qua lại có một người được đưa vào danh sách chờ đợi cấy ghép và trung bình mỗi ngày 20 bệnh nhân qua đời mà chưa kịp phẫu thuật. Để đối phó với tình trạng này, Đại học Y Johns Hopkins quyết định thử nghiệm sử dụng nguồn nội tạng đến từ các nhà tài trợ bị viêm gan C.
Trên tờ Annals of Internal Medicine, đại diện Đại học Y Johns Hopkins cho biết hệ thống y tế Mỹ vốn từ chối sử dụng nội tạng do người mắc viêm gan C hiến tặng nên vứt bỏ khoảng 500 quả thận mỗi năm. "Giữa thời buổi khan hiếm nội tạng, thật khó chấp nhận việc các bộ phận tốt bị bỏ phí", bác sĩ Christine Durand đứng đầu nhóm tác giả phát biểu. "Đây là cơ hội tốt để tận dụng nguồn lực vốn bị bỏ quên".
Để tiến hành thử nghiệm, Đại học Y Johns Hopkins mời 10 tình nguyện viên bao gồm cả nam lẫn nữ từ 50 tuổi trở lên và đã chờ ghép thận ít nhất bốn tháng. Không ai trong số này từng bị viêm gan C. Họ cũng biết rõ tình trạng phần nội tạng sắp nhận.
Trước lúc phẫu thuật, 7 tình nguyện viên được kê thuốc chứa grazoprevir/elbasvir và tiếp tục uống cho đến 12 tuần sau ca mổ. Ba trường hợp còn lại sử dụng thuốc sofosbuvir.
Kết quả cho thấy 5 tình nguyện viên không hề có dấu vết virus viêm gan C trong máu. Những người còn lại nhiễm virus ở mức thấp và chỉ một tuần đã trở lại bình thường. Một năm trôi qua, toàn bộ tình nguyện viên vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
Sắp tới, Đại học Johns Hopkins tiếp tục thử nghiệm trên quy mô lớn để đánh giá mức độ hiệu quả, an toàn của việc cấy ghép thận, tim, gan nhiễm viêm gan C.
Ngoài cơ sở này, bệnh viện Penn thuộc bang Philadelphia cũng đã tiến hành cấy tim, thận của bệnh nhân viêm gan C. Nếu thành công, ngành y tế ở Mỹ sẽ tận dụng thêm được 1.000 quả tim mỗi năm.