World Cup mang đến nhiều cảm xúc, từ buồn bã, thất vọng, có đôi khi tức giận, cho đến những niềm vui vỡ òa; giúp chúng ta cảm nhận được sự đoàn kết và gắn bó, trải qua cơ hội đồng cảm cùng nhau.
Tôi và bạn bè thường đùa với nhau rằng, cứ bốn năm một lần, chúng tôi lại trở thành những người yêu nước. Vì World Cup là một trong số rất ít dịp mà chúng tôi công khai thể hiện sự đoàn kết mạnh mẽ với màu cờ sắc áo của quốc gia, công khai ăn mừng chiến thắng của đất nước mình trước thất bại của người khác. Tuy nhiên, khi điều kỳ diệu của World Cup kết thúc, quay lại với nhịp sống hàng ngày, chúng ta sẽ tự hỏi tại sao lại đặt quá nhiều thứ vào một trận bóng đơn thuần; chúng ta sẽ dần quên đi cảm xúc ích kỷ cá nhân và chỉ nhớ đến những nỗ lực phi thường của mọi người.
Gần đây, tôi bắt đầu nhận thấy "bản sắc dân tộc", thường chia rẽ chúng ta trong thời gian tổ chức World Cup, không còn rõ ràng nữa. Bóng đá và di cư có mối liên hệ nội tại đến mức hầu hết các đội tuyển quốc gia - đặc biệt là những đội bóng xếp hạng cao nhất - đại diện cho sự đa dạng trong xã hội của họ, đều có sự tham gia của nhiều cầu thủ có nguồn gốc là người di cư.
Kỳ World Cup lần này có 32 đội tuyển tham dự, 137 trong tổng số 830 cầu thủ thi đấu cho đội tuyển quốc gia không phải nguyên quán của họ. Các đội bóng xuất sắc năm nay có các cầu thủ là người di cư thế hệ thứ nhất hoặc có bố mẹ, ông bà là người di cư. Một phân tích cho thấy, các cầu thủ có nguồn gốc di cư đã thực hiện 41% trong số 661 bàn thắng ở vòng loại World Cup năm nay. Ở một số đội tuyển quốc gia hàng đầu, hơn 80% số bàn thắng ở vòng loại đến từ các cầu thủ là người di cư thế hệ thứ nhất, thứ hai hoặc thứ ba.
Điều này cũng có thể được diễn giải rằng, các đội bóng vào vòng 1/8 có thể đã không đạt thành tích như vậy nếu không có các cầu thủ xuất thân là người di cư. Những cầu thủ tuyệt vời ấy đã mang trên vai và phần lớn hiện thực hóa hy vọng của các đội tuyển và các quốc gia này. Đây là một trong những ví dụ thú vị và đầy cảm hứng cho thấy lợi ích mà việc di cư mang lại.
Tất nhiên, điều đó diễn ra không chỉ riêng ở lĩnh vực thể thao. Hơn 1/3 số người đoạt giải Nobel cũng là người di cư. Những công ty thành công nhất thế giới như Google, Tesla, Microsoft, Yahoo và nhiều công ty toàn cầu như Pfizer, PepsiCo và P&G có những người sáng lập và CEO là người di cư thì sao? Họ tạo ra hàng triệu việc làm trên khắp thế giới.
Không chỉ siêu sao và các nhà lãnh đạo thế giới, mà những người lao động nhập cư bình thường cũng mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, đặc biệt ở những quốc gia mà tốc độ tăng dân số chững lại. Chính người di cư góp phần thay đổi nền kinh tế và xã hội ở nơi họ sinh sống, bù đắp sự thiếu hụt lao động ở các cấp độ kỹ năng và nghề nghiệp khác nhau. Không có người di cư, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế sẽ biến mất và chuỗi giá trị toàn cầu sẽ bị phá vỡ.
Những đóng góp tích cực của người di cư cho sự phát triển đã được nghiên cứu và khẳng định trong nhiều thập kỷ. Ví dụ, nhiều khảo sát đã chứng minh dòng ngoại hối từ người di cư là nền tảng hỗ trợ gia đình và cộng đồng địa phương của người đó, cũng như giúp tăng trưởng GDP ở quốc gia nguồn. Năm 2021, Việt Nam nhận khoảng 18 tỷ USD kiều hối, đứng thứ sáu trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, hầu hết người di cư có độ tuổi tương đối trẻ hơn so với dân địa phương nên có tác động tích cực đến nguồn nhân lực và sản lượng trên mỗi lao động, góp phần vào tăng trưởng GDP ở các quốc gia đích.
Người dân di cư vì nhiều lý do, từ cơ hội việc làm tốt hơn đến cơ hội học tập, xây dựng gia đình hay đoàn tụ với những người thân yêu. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang hay bạo lực cũng dẫn đến di cư. Dù tự nguyện, bị ép buộc hay bị dụ dỗ, tất cả những người di cư đều đang phấn đấu để có cuộc sống tốt đẹp hơn và đóng góp vào sự phát triển của cả quốc gia nguồn và quốc gia đích. Trong số họ bao gồm cả những người Việt Nam di cư.
Với việc nối lại các chuyến bay quốc tế vào tháng 3 vừa qua, mức độ di chuyển của người Việt Nam đã gần trở lại mức trước đại dịch. Theo Cục Lao động ngoài nước, trong 11 tháng đầu năm 2022, số người Việt Nam xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài đã hơn 122.000 người, đạt hơn 135% kế hoạch năm.
Mới đây, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) phát động cuộc thi quốc gia "Di cư qua lăng kính của tôi" đề nghị người dự thi là công dân Việt Nam định nghĩa di cư bằng từ ngữ và hình ảnh theo ý kiến cá nhân. Kết quả rất đáng ngạc nhiên là mặc dù có xuất thân và kinh nghiệm sống khác nhau, các bài thi đều không mô tả việc di cư là "buồn" hay "sóng gió" mà là "hy vọng" và "ước mơ".
Trong số những người chiến thắng, tôi rất ấn tượng với câu chuyện của một phụ nữ trẻ. Ở tuổi 26, cô từ bỏ công việc ổn định tại Việt Nam và bắt đầu một hành trình mới. Trong vòng 4 năm, cô đã đến nhiều quốc gia, làm nhiều việc khác nhau và gặp gỡ với nhiều người. Đôi khi cô thấy rất cô đơn và gặp nhiều trở ngại trên đường đi. Tuy nhiên, cô vẫn muốn "xem nhiều hơn, khám phá nhiều hơn và học hỏi nhiều hơn. Đó là động lực chính của việc di cư của tôi", cô ấy nói. Hành trình di cư cũng dạy cô biết trân trọng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống và tin vào chính mình.
Đối với những người di cư và người tị nạn, một khởi đầu bấp bênh vẫn có thể có một kết thúc có hậu.
Danh từ "người di cư" thường được gắn với hàm ý tiêu cực, đôi khi gần như phủ nhận con người đó. Nhưng điểm cốt lõi của mọi vấn đề đều là con người. Họ là những người có hy vọng, ước mơ và tiềm năng to lớn.
Vì vậy, những lợi ích to lớn mà người di cư đã và đang mang lại cho xã hội cần được ghi nhận đầy đủ. Đó cũng là lý do IOM mong muốn mang đến nhiều cơ hội hơn nữa bằng cách kể câu chuyện của những người di cư, giúp họ chia sẻ tiếng nói của chính mình. Và chúng tôi mong bạn cũng sẽ kể những câu chuyện về di cư, tất nhiên theo cách thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự.
Park Mi Hyung