![]() |
Bé Trang và mẹ Nga như hình với bóng. Ảnh: Phụ Nữ. |
Phạm Thúy Nga, sinh năm 1981, từng học khoa Họa, trường Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng. Nga thuê phòng trọ chung với 3 người bạn. Tháng 4/2003, có một cô gái tên Hoài, quê Thanh Hóa, nhan sắc rực rỡ, đến xin góp tiền ở cùng. Đêm ngủ, Hoài thường trằn trọc không yên, có khi lén nức nở. Nga và các bạn trong phòng truy hỏi, Hoài lẳng lặng tháo các băng vải nịt quanh bụng. Cô trót lỡ với người yêu nhưng anh ta chối bỏ.
Hoài nằng nặc đòi phá khi cái thai đã sang tháng thứ 7. Thương Hoài bơ vơ, lại nghĩ hài nhi đã tượng hình, bỏ đi thì quá ác nghiệt, Nga thuyết phục bạn giữ lại. Bốn chị em trong phòng trọ nhịn ăn cho Hoài dưỡng thai. Hoài như trong trạng thái vô cảm, chỉ muốn đứa bé ra đời thật nhanh để kiếm cuộc sống khác. Ba người bạn trọ cùng cũng cố gắng liên hệ với gia đình người tình của Hoài để thông báo: Hoài vừa siêu âm, con trai. Nhà ấy đã có 6 đứa cháu gái, ông bố gọi ra nhờ Nga: "Các chị trông nom hộ, bao giờ Hoài chuyển dạ, chúng tôi sẽ đón và có trách nhiệm với mẹ con cháu". Hoài nghe chuyện, chỉ cười nhạt: "Nhà đó không có phúc đấy đâu chị ạ".
Gần ngày sinh, Nga đưa bạn về Thanh Hóa. Ông "bố chồng" đi đón, nhưng nói: "Gia đình chỉ nhận cháu, còn cô ấy chúng tôi không thể đưa về". Nga phải tìm một phòng trọ tồi tàn gần bệnh viện phụ sản cho bạn ở chờ sinh, chỉ cách nhà bố mẹ đẻ của Hoài 3 km. Rồi Hoài chuyển dạ sinh con gái. 11 giờ trưa, gia đình ông nội đứa bé đến. Việc đầu tiên là họ vạch tã rồi mặt lạnh te, họ nói: "Nhờ cô trông hộ, chúng tôi về soạn đồ đón cháu.". Nhà ấy không bao giờ quay lại nữa.
Sau sinh, suốt 4 ngày Hoài không ăn cũng không cho con bú, chỉ quay mặt vào tường khóc. Thương bạn, xót đứa bé, Nga chạy khắp bệnh viện xin sữa để đút cho bé. Cạy răng Hoài bắt ăn không được, Nga dựng bạn dậy, tát cho một trận, mếu máo: "Mày quyết để con chết à?". Lúc Hoài chịu cho con bú thì sữa tắc.
Không chịu thua sự dửng dưng, Nga lại gặp mẹ Hoài. Mẹ Hoài nghe Nga năn nỉ cũng đến bệnh viện nhưng bà chỉ rủa xả con gái, không ngó đứa cháu một lần. Chứng kiến hết những tột cùng nhẫn tâm và vô cảm ấy, Nga quyết định nán lại chăm Hoài ở cữ với số tiền ít ỏi các bạn cùng trọ góp gửi vào. Nga chỉ ra lại Hải Phòng khi đến ngày thực tập tốt nghiệp.
Đúng 17 ngày sau, Nga nhận được điện thoại của Hoài: "Chị ra ga đón mẹ con em". Hóa ra, mẹ Hoài cũng đón con về nhưng không thôi đay nghiến, cô không chịu nổi, lại ôm con đi. Một buổi Nga đi học về chỉ thấy đứa trẻ gào khóc khản tiếng, nhà trống trơn, một mảnh giấy lăn lóc trên bàn: "Em không nuôi được con. Chị đưa cháu vào trại S.O.S hộ em". Lúc đó, đứa bé mới 2 tháng 27 ngày tuổi, Nga đặt tên bé là Trang.
Nga đưa bé Trang xuống làng S.O.S, thấy những đứa trẻ còi cọc và ngơ ngác buồn thảm, lại ôm về. Những ngày sau, Nga chạy khắp khu trọ, ở đâu có bà đẻ là bế bé đến, xin miếng sữa bú nhờ. Nga về lạy mẹ: "Cho con nuối cháu. Con lo cho nó từ lúc chào đời, giờ trao vào tay người không thương yêu, con sống không yên".
23 tuổi, làm mẹ, để có tiền nuôi bé Trang, Nga đã lao động gần như khổ sai. Hằng ngày, Nga thức dậy từ 3 giờ sáng, đến các tiệm ăn chẻ củi, nhóm lò thuê rồi rửa bát, bưng bê. 7h30 cô đến trường đi học. Trưa về, vừa trệu trạo nhai cơm, vừa tranh thủ làm thiệp sinh nhật đi bỏ mối. Tối đi làm gia sư. Ngoài ra, cô còn nhận dọn nhà, tắm táp giặt giũ thuê cho những gia đình có người ốm liệt. Bé Trang hay ốm vặt, tiền thuốc, tiền sữa của con bé khiến Nga quay mòng mòng.
Ra trường, Nga ôm con về nhà mẹ ở, lương mới tốt nghiệp được 220.000 đồng/tháng, cô dạy thêm, làm thuê ở tiệm cắt tóc để phụ mẹ nuôi Trang. Có nhiều người đàn ông đến tìm hiểu Nga, thấy cô vừa nói chuyện vừa ôm con nhỏ đang bú bình, họ lặng lẽ rút lui.
Cơ cực nhất là những ngày cô làm khai sinh cho bé Trang. Ở xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, người ta lắc đầu vì cô không có giấy đăng ký kết hôn. Kêu van, trình bày, khóc lóc không ai động lòng, Nga bảo: "Em hận sự vô cảm đến nỗi lúc đó đã nghĩ liều, nếu có người đui què nào lấy em cũng được, miễn là có cái giấy kết hôn".
Rồi Nga gặp một người đàn ông đủ can đảm bước qua dư luận và gánh nặng một đứa con riêng. Nga lấy chồng chóng vánh, lòng chưa kịp biết đến tình yêu. Nga có thai nhưng do đã quá vất vả nên bị sảy. Hôn nhân của họ bắt đầu sứt mẻ. Chồng Nga cảm thấy mình bị chia sẻ tình cảm với đứa con riêng.
Để vá víu lại hôn nhân, Nga về quê chồng ở, nghỉ làm, để con lại cho mẹ nuôi. Nga mang thai thêm hai lần nữa, cũng đều hỏng. Cứ nhìn thấy trẻ con chơi ở ngõ, Nga lại khóc vì nhớ bé Trang. Bố mẹ chồng biết chuyện, cảm động trước tấm lòng của Nga, khuyên cô đón bé Trang về nuôi.
Yên ấm không đến với Nga dễ thế. Anh em nhà chồng tỏ ra khó chịu với sự xuất hiện của con bé. Họ cho rằng chồng Nga lấy vợ thừa thiên hạ, Nga đã hư hỏng ở đâu đó, đẻ ra bé Trang rồi lấp liếm sự thật bằng một câu chuyện hoang đường về lòng tốt. Chồng Nga yếu đuối, chẳng những không bảo vệ được vợ mà còn bị tác động, quay ra nghi ngờ dằn vặt vợ.
Nga chẳng có cách nào khác là phải nhờ đến bác sĩ sản khoa chứng minh sự trong sạch của mình. Người bác sĩ làm xét nghiệm cho Nga phải ứa nước mắt vì thương cảm. Dù cả khi tổn thương, Nga vẫn không oán hận chồng: "Anh ấy đã cúi xuống cuộc đời mẹ con em, có sống mấy kiếp, em cũng không trả hết ân tình ấy".
Những ngày này, Nga đang sống trong một khu nhà ổ chuột ở Hà Nội để điều trị giữ lại thai tại viện Phụ sản Trung ương. Theo Nga không rời một bước, như hình với bóng chỉ có bé Trang. Mới 4 tuổi nhưng thấy mẹ đau, cô bé đã biết đấm lưng, nắn đầu, biết lấy cốc nước lạnh, đổ chậu nôn cho mẹ.
Cầu mong đứa con Nga đang mang trong bụng sẽ bình an.
Hiện nay, chị Phạm Thúy Nga đang ở Hà Nội để điều trị, giữ lại bào thai mới 9 tuần tuổi. Sức khỏe của chị cũng không được tốt. Nếu muốn chia sẻ và giúp đỡ chị, độc giả có thể liên lạc theo địa chỉ và điện thoại sau: Điện thoại: 0978 783 878 Địa chỉ (nhà mẹ đẻ chị Nga): Đội 3, thôn Quan Bồ, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. |
(Theo Phụ Nữ)