![]() |
Hy Lạp giành chức vô địch châu Âu. |
Chưa bao giờ bóng đá Mỹ có được thành tích cao như vậy ở bảng xếp hạng FIFA. Vị trí tốt nhất của họ chỉ là thứ 8 vào tháng 9/2002 và tháng 5 vừa qua. Có được vị trí này là do các cầu thủ Mỹ đã giành quyền vào bán kết vòng loại World Cup khu vực Bắc Trung Mỹ và Caribean (CONCACAF). Trong khi đó, một cường quốc bóng đá ở khu vực Nam Mỹ, Argentina, tụt 6 bậc xuống vị trí thứ 11 do không thể chiến thắng trong một loạt trận đấu gần đây.
Tương tự, với chức vô địch bóng đá châu Âu lần đầu tiên, Hy Lạp đã nhảy lên vị trí thứ 14. Đây cũng được coi là thành tích cao nhất của bóng đá quốc gia Nam Âu này. Cách đây hai năm, họ vẫn còn đứng ở vị trí 59.
Sau Euro 2004, một số vị trí của các quốc gia châu Âu khác cũng đã thay đổi đáng kể. CH Czech, thua Hy Lạp tại bán kết, tăng 7 bậc, vươn lên vị trí thứ 4, sau Brazil (25 tháng liên tiếp ở vị trí dẫn đầu), Pháp và Tây Ban Nha. Hà Lan, vào đến bán kết Euro, duy trì vị trí thứ 5. "Những chú sư tử Anh", để thua Bồ Đào Nha ở tứ kết, trở lại top 10 sau hai tháng vắng mặt. Họ đã vươn 5 bậc, đứng ở vị trí thứ 8. Vị trí tiếp theo trong top 10 thuộc về Italy và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, đội tuyển Đức, không vượt qua vòng bảng Euro 2004, đã tụt 4 bậc, xếp vị trí thứ 12 cùng chủ nhà Euro 2004, Bồ Đào Nha.
10 đội dẫn đầu bảng xếp hạng FIFA (trong ngoặc là thứ hạng tháng trước):
1. (1) Brazil - 835 điểm
2. (2) Pháp - 813
3. (3) Tây Ban Nha - 792
4. (11) CH Czech - 762
5. (5) Hà Lan - 748
6. (4) Mexico - 743
7. (9) Mỹ - 735
8. (13) Anh - 733
9. (10) Italy - 729
10. (5) Thổ Nhĩ Kỳ - 723
Ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia lại vượt qua Việt Nam, đứng vị trí thứ hai, sau Thái Lan.
1. Thái Lan (hạng 64 thế giới, giảm 3 bậc)
2. Indonesia (hạng 97, tắng 1)
3. Việt Nam (hạng 100, giảm 4 bậc)
4. Singapore (hạng 117, giảm 3 bậc)
5. Malaysia (hạng 122, giảm 4 bậc)
6. Myanmar (hạng 147, giữ nguyên)
7. Lào (hạng 173, tăng 2 bậc)
8. Campuchia (hạng 184, giữ nguyên)
9. Philippines (hạng 191, giữ nguyên)
10. Brunei (hạng 195, giữ nguyên)
H.L. (theo FIFA)