Thông tin về cuộc trưng cầu dân ý được Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thông báo trên truyền hình nước này cuối ngày 26/6. Tuy nhiên, khi nhận xét về kế hoạch thắt lưng buộc bụng mà người dân Hy Lạp sẽ phải chấp nhận nếu đồng ý nhận cứu trợ, vị này lại miêu tả đây là một “nỗi nhục” và “không thể chịu đựng nổi”.
Trước đó, Chính phủ Hy Lạp đã từ chối lời một kế hoạch khác từ phía chủ nợ, nhằm tránh cho nước này khỏi vỡ nợ vào ngày 30/6 tới, khi không trả được khoản tiền 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD) cho IMF.
Cũng trong bài phát biểu nêu trên, Thủ tướng Tsipras cho rằng những đề nghị nêu trên vi phạm rõ ràng các nguyên tắc cơ bản của châu Âu và không mang lại quyền lợi bình đẳng cho tất các các bên. "Người Hy Lạp sẽ phải tự quyết định mà không phải chịu sức ép nào”, nhà lãnh đạo này khẳng định.
Phát biểu của ông Tsipras được đưa ra chỉ vài giờ sau cuộc gặp tại Brussels (Bỉ) nơi các chủ nợ đưa ra đề nghị kéo dài thời gian cứu trợ cho Hy Lạp thêm 5 tháng. Đề nghị này cũng bao gồm việc giải phóng khoản vay trị giá 15,5 tỷ euro cho nước này, trong đó có khoảng 1,8 tỷ có thể sử dụng ngay. Ngược lại, phía Hy Lạp phải chấp nhận tái cơ cấu, với các điều khoản sẽ được thảo luận trong cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính châu Âu, diễn ra hôm nay.
Trước cuộc gặp này, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng lên tiếng hối thúc Hy Lạp chấp nhận thỏa thuận mà bà coi là một sự “hào phóng phi thường”. Tuy nhiên, việc thương lượng giữa hai bên hiện vẫn bế tắc khi Hy Lạp cương quyết từ chối việc điều chỉnh quỹ hưu trí và tăng thuế giá trị gia tăng (VAT).
Trong trường hợp Hy Lạp vỡ nợ, nước này có thể rời khu vực đồng tiền chung, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế châu Âu và thế giới. Ngược lại, chỉ có đạt thỏa thuận với chủ nợ, Hy Lạp mới có cơ hội nhận khoản cứu trợ cũ trị giá 7,2 tỷ USD từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vốn đã bị đóng băng nhiều tháng qua.
Kinh tế Hy Lạp đã suy thoái suốt 6 năm và khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử đầu năm nay, Chính phủ của Thủ tướng Tsipras đã cam kết chấm dứt những biện pháp hà khắc mà người dân nước này phải chịu đựng để đổi lấy cứu trợ suốt thời gian qua.
Kỳ Duyên (theo BBC)