Hầu hết các chỉ số chứng khoán của châu Á giảm điểm trong những tiếng giao dịch đầu ngày thứ 5. Chỉ số Nikkei 225 giảm 1,7% điểm, xuống mốc 10.899,95. Mức điều chỉnh giảm khá mạnh này diễn ra sau khi Nikkei vừa có ngày giao dịch khởi sắc vào hôm qua. Cổ phiếu của một số nhà xuất khẩu lớn giảm điểm sau khi đồng yen mạnh lên so với đôla Mỹ. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 0,7% và chỉ số chứng khoán chính của Australia mất 0,9% điểm. Chỉ số chứng khoán châu Á MSCI mất 1,2% điểm tính đến 11:02 theo giờ Tokyo.
Các nhân viên giao dịch tại sàn chứng khoán New York vào hôm qua. Ảnh: Reuters |
Hôm qua, Phố Wall đã có một ngày giao dịch trồi sụt thất thường. Báo cáo doanh thu cao của các tên tuổi lớn như Apple, Boeing vẫn chưa đủ để vực dậy toàn bộ thị trường. Chốt phiên, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones chỉ nhích 0,1% và là phiên tăng thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số Standard & Poor's 500 lại mất 0,1% điểm.
Giá dầu thô tại Mỹ điều chỉnh giảm nhẹ trong ngày thứ 4. Mỗi thùng mất 17 cent, xuống còn 83,68 USD, thậm chí có lúc chỉ còn 82,92 USD mỗi thùng. Bất chấp báo cáo nhu cầu nhiên liệu Trung Quốc dâng cao và lệnh cấm bay tại châu Âu đã được dỡ bỏ, các nhà đầu tư vẫn lo lắng về báo cáo lượng dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng lên. Lượng dầu dự trữ và tồn kho được xem như phong vũ biểu phản ánh nhu cầu nhiên liệu của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đồng euro nới rộng đà giảm trong sáng nay khi các nhà đầu tư không nguôi lo lắng về Hy Lạp. Tuy đã được bơm vốn, Hy Lạp có nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn nợ nần khi phải đi vay để trả nợ. Trong tiếng giao dịch đầu ngày tại châu Á, mỗi euro đổi được 1,3385 USD, so với mức 1,3392 vào cuối phiên New York hôm qua, sau khi đã mất 0,3% giá trị kể từ đầu ngày 21/4. Mỗi euro nay cũng chỉ còn đổi được 124,48 yen, trong khi giới phân tích chờ đợi giá giảm tiếp về 123,10 yen.
Trong khi đó, Hy Lạp đang chạy đua với thời gian để lên chi tiết kế hoạch vay nợ. Sau phiên họp đầu tiên với EU và IMF vào hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp cho biết các bên sẽ đạt được thỏa thuận cứu trợ vào tháng tới. Trong tháng 5, Hy Lạp cần ngay 10 tỷ euro để trả nợ.
Các cuộc biểu tình mới lại nổ ra tại Hy Lạp, khi người dân nước này phản đối sự có mặt của IMF trong gói cho vay lần này. Ảnh: AFP |
Cuộc họp này diễn ra khi các nhà đầu tư nắm giữ nợ của Hy Lạp đòi hỏi lãi suất ngày càng cao, nay vượt 8%, mức mà Athens cho biết họ không đủ khả năng để trang trải nữa. Hy Lạp không có nhiều lựa chọn ngoài việc tiếp tục phải đi vay để trả nợ. Áp lực đang gia tăng từ nhiều phía khi các cuộc biểu tình mới lại nổ ra, đồng thời IMF nhận định kinh tế nước này có thể suy giảm 2% trong năm nay và 1,1% trong năm sau.
Trong báo cáo hôm qua, IMF nhận định nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trước đó, với tốc độ khoảng 4,2% trong năm nay. Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục là đầu tàu của đà phục hồi, trong khi các nền kinh tế mạnh tại châu Âu và Nhật Bản vẫn yếu ớt. Hồi tháng một, mức tăng trưởng dự báo cho 2010 của IMF chỉ là 3,9%.
Mặc dù vậy, Nhật Bản vẫn khá lạc quan với báo cáo sáng nay, khi kim ngạch xuất khẩu của nước này tăng vọt 43,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh tế thế giới phục hồi kéo theo nhu cầu xe hơi hay các sản phẩm điện tử gia dụng khác. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp xuất khẩu của Nhật Bản khởi sắc. Cùng lúc đó, kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 20.7% trong tháng 3, dẫn đến thặng dư thương mại 948,9 tỷ yen, tương đương 10,2 tỷ USD.
Thanh Bình