Bộ trưởng Di trú Hy Lạp Notis Mitarachi hôm 16/10 đăng Twitter bức ảnh nhóm người di cư không quần áo, tuyên bố đất nước ông đã "giải cứu" họ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ lột trần và đẩy họ vào lãnh thổ Hy Lạp.
Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định đây là "tin giả". Fahrettin Altun, phát ngôn viên của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, mô tả các cáo buộc là "vô căn cứ và sai sự thật".
Một ngày sau đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu chỉ trích Hy Lạp "vô liêm sỉ và liều lĩnh". Ông cũng nhắm vào Liên minh châu Âu (EU), cáo buộc khối đang khuyến khích Hy Lạp "vu khống" Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát ngôn viên chính phủ Hy Lạp Giannis Oikonomou sau đó phản pháo lại rằng Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nhắm vào người di cư bằng "những hoạt động man rợ chưa từng có và không thể tưởng tượng được".
Cảnh sát Hy Lạp cho biết toàn bộ người di cư, đều là nam giới, được phát hiện gần sông Evros ngăn cách Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ hôm 14/10. Nhóm người này chủ yếu từ Afghanistan, Syria và một số người có thương tích trên cơ thể.
Cuộc điều tra của cảnh sát Hy Lạp và quan chức cơ quan biên giới EU Frontex đã tìm thấy bằng chứng cho thấy nhóm này vượt sông từ Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh thổ Hy Lạp bằng xuồng cao su. Liên Hợp Quốc đã yêu cầu mở cuộc điều tra khẩn về sự việc.
"Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) vô cùng đau buồn trước những báo cáo và hình ảnh gây sốc về 92 người được phát hiện ở biên giới đất liền Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ trong tình trạng không quần áo", UNHCR cho biết hôm 16/10. "Chúng tôi lên án cách đối xử tàn nhẫn và hèn hạ này, đồng thời kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện về sự việc".
Tranh cãi giữa hai nước xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng vì vấn đề người tị nạn. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có dân số tị nạn lớn nhất thế giới và thường xuyên cáo buộc Hy Lạp đẩy lùi người di cư vào nước này một cách thô bạo.
Hy Lạp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ "thúc đẩy" người di cư để gây áp lực lên EU, dù đã đồng ý ngăn dòng người tị nạn để đổi lấy hàng tỷ euro viện trợ theo thỏa thuận mang tính bước ngoặt năm 2016. Vào đỉnh điểm cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015, khoảng một triệu người di cư từ Syria, Iraq và Afghanistan đã đến Hy Lạp, chủ yếu qua Thổ Nhĩ Kỳ.
"Hành vi vô nhân đạo này là nỗi ô nhục đối với nền văn minh và lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. Thay vì đổ lỗi cho người khác về những gì đang xảy ra trên lãnh thổ của mình, họ nên điều tra, trừng phạt những người liên quan trực tiếp và tôn trọng các nghĩa vụ của mình theo Tuyên bố chung với EU", Oikonomou nói.
Huyền Lê (Theo NY Post)