Thứ Ba tuần trước, chính phủ Hy Lạp đã bán thành công hơn 4 tỷ euro tín phiếu kỳ hạn 3 tháng. Theo các nhà phân tích, số tiền này sẽ được dùng để trả nợ 3,2 tỷ trái phiếu Hy Lạp đáo hạn ngày hôm nay (20/8).
Các ngân hàng Hy Lạp là người mua chính tại phiên đấu giá lần này, vì phần lớn nhà đầu tư ngoại vẫn do dự không muốn cho Athens vay tiền. Kể từ khi ECB quyết định ngừng chấp nhận việc dùng trái phiếu chính phủ Hy Lạp làm tài sản đảm bảo vào tháng 7, các nhà băng nước này đã phải phụ thuộc vào ngân hàng trung ương để tăng thanh khoản cấp tốc. Giới quan sát cho rằng họ đã dùng tiền của ngân hàng trung ương để mua số tín phiếu trên.
Hy Lạp tạm thời tránh được vỡ nợ, nhưng chưa chắc được ở lại eurozone. Ảnh: CNN |
Ông Nicholas Spiro - Giám đốc công ty tư vấn Spiro Sovereign Strategy ở London nhận định: "Hy Lạp cơ bản là lấy tiền của châu Âu ở cửa này, rồi trả tiền ở cửa khác mà thôi". Mục tiêu trước mắt của họ là tránh việc vỡ nợ để không bị buộc rời eurozone và thị trường không bị hoảng loạn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nước như Tây Ban Nha hay Italy.
Tuy nhiên, số vốn thu được từ lần bán tín phiếu này cũng có thể giúp Hy Lạp bù đắp một phần ngân sách nếu khoản cứu trợ tới đây bị trì hoãn, ông Dimitri Papadimitriou - Giáo sư kinh tế tại Đại học Bard (Mỹ) cho biết.
Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras và các quan chức trong chính phủ liên minh đang tìm mọi cách cắt giảm 11,5 tỷ euro thâm hụt ngân sách theo yêu cầu của EU, IMF và ECB. Ba tổ chức trên sẽ quay lại Hy Lạp vào đầu tháng 9 để hoàn thiện việc giám sát tài chính. Các bộ trưởng tài chính eurozone sẽ không quyết định tiền cứu trợ cho Hy Lạp đến khi họ nhóm họp vào 8/10 tới.
Trong khi đó, ông Samaras đang thuyết phục các chủ nợ gia hạn thêm 2 năm để Hy Lạp đạt mục tiêu ngân sách. Ông cũng có cuộc họp tuần tới với thủ tưởng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp François Hollande cùng một số lãnh đạo cao cấp các nước eurozone.
Từ trước đến nay, Đức vốn không mấy khi nhượng bộ Hy Lạp. Một vài chính trị gia nước này còn cho rằng họ vẫn có thể xử lý được tình hình nếu Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung.
Trong khi eurozone đang tăng cường sức mạnh tài chính, các nhà kinh tế học vẫn cho biết họ không thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra nếu Hy Lạp rời liên minh tiền tệ. Lãi vay dành cho Tây Ban Nha và Italy đang ngày càng cao và gần tăng đến mức không thể chống cự được.
Các nhà đầu tư đặc biệt lo lắng về Tây Ban Nha khi nước này có lẽ sẽ phải cầu viện đến quỹ cứu trợ của eurozone và sự can thiệp của ECB vào thị trường trái phiếu. Ông Spiro nói: "Không ai muốn đánh cược vào sự hỗn loạn khi Hy Lạp rời eurozone".
Hà Thu (theo CNN)