Cuộc khủng hoảng nợ đang đánh mạnh vào Ngân hàng trung ương Hy Lạp là lý do chính khiến quốc gia này rơi vào suy thoái sâu hơn. Ảnh: Zimbio |
Đại diện các đơn vị cho Hy Lạp vay tiền vừa đến thủ đô Athens để họp bàn tìm giải pháp cắt giảm thâm hụt về mức đã đề ra. Tuy nhiên, ông Samaras lên tiếng chỉ trích một số quan khách nước ngoài vì đã có những lời bình luận mang tính đánh giá thấp nỗ lực của Hy Lạp trong tình hình hiện nay. Các vị khách này cũng đe dọa nếu không có những bước đi thích hợp, Hy Lạp có khả năng không được nhận gói hỗ trợ cuối cùng, trị giá 31,5 tỷ euro (38 tỷ USD).
Gói cứu trợ đợt hai dành cho Hy Lạp lên tới 130 tỷ euro đã được thông qua từ tháng 3, với các điều kiện ngặt nghèo đi kèm, buộc Hy Lạp phải giảm nợ và chi tiêu công. Việc sa chân sâu hơn vào cuộc suy thoái sẽ khiến Hy Lạp mất khả năng cải thiện tài chính, bởi quốc gia này đang phải thực hiện những kế hoạch khắc khổ do nền kinh tế đang trượt dốc nhanh hơn so với dự đoán.
Thủ tướng Samaras cho rằng Hy Lạp không thể tăng trưởng dương trở lại trước năm 2014, sau khi chìm trong suy thoái suốt 5 năm qua. Ông cũng kỳ vọng các tổ chức và quốc gia cho Hy Lạp vay nợ sẽ gia hạn để quốc gia này đủ khả năng thanh toán.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Hy Lạp dự đoán GDP sẽ giảm 5% trong năm nay. Đây là mốc suy thoái sâu nhất kể từ thập niêm 30 của thế kỷ trước tại Hy Lạp. Tuy nhiên, Thủ tướng Antonis không "lạc quan" như vậy và cho rằng, con số này phải là 7%. Các nhà kinh tế tính toán quốc gia này phải cần tới gói hỗ trợ thứ 3 với số tiền lên tới 50 tỷ euro mới mong vực khỏi suy thoái.
Các hoạt động của Hy Lạp đang được "bộ ba" gồm Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu giám sát. IMF cho biết đang hết sức hỗ trợ Hy Lạp để vượt qua thời kỳ kinh tế khó khăn, và sẽ cùng làm việc với quốc gia này để đưa mọi chuyện trở lại bình thường. Tuy nhiên, theo BBC, IMF có thể từ chối lời kêu gọi cho các gói hỗ trợ tiếp theo.
Tuần này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso lên kế hoạch cho chuyến thăm Hy Lạp đầu tiên kể từ năm 2009. Phát ngôn viên của ông Barroso cho biết: "Mục đích của chuyến công du là gặp mặt Thủ tướng Hy Lạp, cùng thảo luận về toàn cảnh kinh tế châu Âu, và Hy Lạp nói riêng". Người này cũng khẳng định, nội dung của cuộc nói chuyện sắp tới đã được đưa ra thảo luận trước đây.
Hy Lạp từng hứa sẽ giảm mức thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% so với GDP từ giờ đến hết năm 2014. Cuối năm ngoái, Hy Lạp đã tiêu vượt 9% GDP cả năm 2011. Theo số liệu chính thức được đưa ra hôm thứ 2 vừa rồi, chính phủ Hy Lạp đã cố sức cắt 17 tỷ euro tiền chi tiêu công, giúp đưa tổng nợ quốc gia từ 160% GDP xuống còn 132%. Theo những điều khoản ký kết với bộ ba, Hy Lạp hứa giảm nợ xuống còn 120% GDP vào năm 2020.
Nhưng Thủ tướng Antonis cần phải có thêm 12 tỷ euro bằng cách tăng thuế và bán các tài sản quốc hữu mới mong đạt được yêu cầu để nhận gói hỗ trợ tiếp theo.
Anh Quân