Ngày 22/7, khi cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đến thăm Hy Lạp với vai trò là đại biểu đoàn doanh nhân Mỹ, Thủ tướng Antonis Samaras nhận định nước này đang trong tình trạng đại suy thoái như Mỹ những năm 1930. Lời nhận xét trên được đưa ra chỉ hai ngày trước khi nhóm các chủ nợ của Hy Lạp đến thúc đẩy tiến trình thắt lưng buộc bụng.
Ông Antonis Samaras cho rằng Hy Lạp đang trải qua giai đoạn Đại suy thoái. Ảnh: Telegraph |
Athens muốn đàm phán lại các điều khoản của gói cứu trợ 130 tỷ euro đã được thông qua vào tháng ba với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Mục đích là làm giảm các ảnh hưởng có thể lên nền kinh tế vốn đang trong tình trạng suy thoái tồi tệ nhất từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia, GDP Hy Lạp sẽ co lại một phần năm vào cuối năm nay do tăng thuế, tiết kiệm chi tiêu lớn và cắt giảm lương mạnh tay để nhận được hai gói cứu trợ của EU/IMF. Đây đã là năm suy thoái thứ 5 liên tiếp của nước này kể từ 2008. Tỷ lệ thất nghiệp ở đây cũng leo lên mức kỷ lục 22,6% trong quý I.
Ông Samaras so sánh: “Nước Mỹ có Đại suy thoái, chúng tôi cũng có. Những gì đang xảy ra tại Hy Lạp chính là phiên bản của cuộc khủng hoảng năm ấy”. Theo các điều khoản cứu trợ, Athens cần phải giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% GDP vào cuối năm 2014 từ mức 9,3% năm 2011. Vì thế, nước này cần tiết kiệm 12 tỷ euro và nâng thuế để nhanh chóng đạt được mục tiêu đó.
Hy Lạp đang cố gắng thuyết phục các chủ nợ lùi thời hạn chót thêm hai năm để tránh việc kinh tế suy giảm sâu hơn nữa. Tuy nhiên, các chủ nợ đều phản đối đề xuất này và cho rằng nó sẽ chỉ khiến Hy Lạp cần một gói viện trợ lớn hơn nữa mà thôi.
Tờ Der Spiegel của Đức cho biết với việc cộng đồng quốc tế đang rất bất mãn với Athens, có thể IMF sẽ không tham gia vào việc cứu trợ cho nước này thêm nữa. Bộ trưởng Tài chính Đức và Hy Lạp đều từ chối bình luận về việc này và tiết lộ viện trợ tăng cường cho Hy Lạp có thể trị giá từ 10 - 50 tỷ USD.
Gần đây, giới chức đều nhận ra rằng gói cứu trợ 130 tỷ euro là không đủ. Và khoản thiếu hụt còn tùy thuộc vào việc Hy Lạp cách mục tiêu ngân sách bao xa cũng như hệ thống ngân hàng nước này cần bao nhiêu tiền để tồn tại. Nhóm điều tra quốc tế của EU, IMF và ECB sắp tới sẽ chỉ tập trung vào khoản tiền 11,7 tỷ euro mà Hy Lạp sẽ phải giảm chi trong hai năm 2013 và 2014.
Ông Clinton chỉ trích các chủ nợ của Hy Lạp quá tập trung vào việc tiết kiệm và cho rằng Athens hoàn toàn có thể trả nợ nếu kinh tế của họ được phục hồi trước. Ông nói: “Con người luôn muốn có niềm hy vọng vào mỗi sáng thức dậy. Giới trẻ ở Hy Lạp cũng thế, họ cần điều gì đó để tin tưởng rằng tương lai của mình ở đây được đảm bảo”.
Hà Thu (theo CNBC)