Cũng trong phiên giao dịch hôm qua, chênh lệch giữa lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Hy Lạp và trái phiếu Đức đã tăng thêm 0,5% lên mức kỷ lục 4,63%.
Thị trường đang truyền tai nhau tin đồn chính quyền Athens tìm cơ hội đàm phán lại về các khoản vay từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou cùng các thành viên chính phủ đang nỗ lực hết sức để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ. Ảnh: The Times |
Theo The Times, lợi tức trái phiếu tăng cao liên tiếp trong nhiều ngày qua khiến cho giới chức Hy Lạp không khỏi lo lắng và khả năng lãi suất còn tăng cao hơn nữa trong thời gian ngắn sắp tới. Lãi suất tăng cao cho thấy nhà đầu tư kém tin tưởng vào sự ổn định của nền kinh tế. Bản nước phát hành Hy Lạp sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó lớn nhất là vỡ nợ nếu không nhận được viện trợ từ châu Âu.
Tình trạng giá trái phiếu sụt giảm sâu cũng làm đau đầu nhiều quan chức Bộ Tài chính Hy Lạp. Vài tháng tới Hy Lạp cần huy động từ 20 tỷ euro cho đến 30 tỷ euro từ thị trường trái phiếu. Gói cứu trợ từ EU và IMF lúc này gần như là “phao cứu sinh” duy nhất cho “con nợ” Hy Lạp.
Bất ổn của thị trường trái phiếu Hy Lạp đã tìm được sự thông cảm từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu – ECB. Cơ quan này sẽ kéo dài việc nới lỏng các quy tắc dùng trái phiếu chính phủ làm tài sản thế chấp các khoản vay.
Chủ tịch ECB ông Jean-Claude Trichet nói với The Times: "Theo tất cả những thông tin mà tôi có, thì vỡ nợ không phải là vấn đề dành cho Hy Lạp". Tuy nhiên, những lời trấn an này không đủ bình ổn tâm lý hoang mang trên thị trường vốn, mà cần có những thông tin cứu trợ chi tiết từ IMF và EU.
Cam kết phối hợp cứu trợ Hy Lạp giữa các lãnh đạo EU và IMF thống nhất vào ngày 25/3 như “liều thuốc thần diệu” hỗ trợ tâm lý thị trường vào tương lai khả quan của Hy Lạp. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế nhận định khả năng Athens nhận được cứu trợ là khá mong manh, ngay cả khi nước này đứng trước nguy cơ không thể huy động đủ nguồn vốn từ thị trường trái phiếu.
Chuyến viếng thăm của các quan chức IMF tại Hy Lạp vào ngày 7/4 vừa qua chưa cho thấy tín hiệu rõ ràng về cấu trúc gói cứu trợ. Hơn nữa Đức – quốc gia có tiếng nói nhiều ảnh hưởng nhất trong EU vẫn tỏ ra miễn cưỡng tham gia cứu trợ và mong muốn Hy Lạp tự mình thu xếp trước khi cầu viện bên ngoài. Vì thế, kế hoạch giảm thâm hụt nợ công từ mức 12,7% GDP năm ngoái xuống còn 8,7% GDP năm nay của chính quyền Athens sẽ trở thành vấn đề nan giải.
WSJ dẫn nhận định của các chuyên gia phân tích từ Ngân hàng BNP Paribas: "Rõ ràng là chính quyền Hy Lạp đã tới bước đường cùng và cần kêu gọi sự giúp đỡ từ IMF".
Làn sóng bán tháo trái phiếu từ dân chúng, cho thấy Hy Lạp đã để vuột khỏi tay một kênh huy động vốn sẵn có. Điểm tựa duy nhất của chính phủ lúc này là kênh huy động từ khối ngân hàng, vốn được xem là nền tảng của hệ thống tài chính Hy Lạp. Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng chung các ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là vấn đề thanh khoản.
Cùng ngày IMF viếng thăm, 4 ngân hàng lớn nhất Hy Lạp đã đệ đơn yêu cầu chính quyền Athens cho phép tiếp cận chương trình cho vay khẩn cấp của chính phủ về hỗ trợ thanh khoản với mức vay khoảng 17 tỷ euro (23 tỷ USD).
Một số chuyên gia phân tích kỳ vọng áp lực gia tăng từ các ngân hàng Hy Lạp có thể sẽ buộc Đức và một số nước khác trong khu vực sử dụng đồng tiền chung euro phải đưa ra quyết định cuối cùng về gói cứu trợ. Nếu như không có gói cứu trợ kịp thời cho Hy Lạp, sẽ dẫn tới nguy cơ hệ thống ngân hàng Hy Lạp sụp đổ và gây hiểm họa cho toàn bộ hệ thống ngân hàng châu Âu.
Việc Hy Lạp nhận được bao nhiêu từ khoản vay EU và IMF tuy chưa rõ ràng, nhưng có thể nhận thấy với nhu cầu huy động 40 tỷ USD trong năm nay, thì bối cảnh khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp sẽ còn kéo dài và phụ thuộc nhiều vào cách thức khắc phục thâm hụt ngân sách, cùng với các biện pháp khôi phục kinh tế sau suy thoái của chính phủ nước này.
Ngọc Ngân