Kế hoạch mới gồm cả các biện pháp tăng thuế và giảm chi tiêu cho lương hưu mà trước đây Chính phủ Hy Lạp đã từ chối. Quốc hội nước này dự kiến bỏ phiếu thông qua kế hoạch trong hôm nay. Đổi lại, Hy Lạp đề xuất được hỗ trợ 59 tỷ USD trong 3 năm.
Michael Reijini – người phát ngôn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hà Lan cũng khẳng định đã nhận được đề xuất này và nhấn mạnh "các bên sẽ cân nhắc". Kế hoạch cải tổ được nộp trước thời hạn nửa đêm gần 2 tiếng. Chi tiết vẫn chưa được công bố.
Dù vậy, nhật báo Naftemporiki của Hy Lạp đã vạch ra số biện pháp cắt giảm tới 13,2 tỷ USD thâm hụt mà Hy Lạp đã phác thảo. Trong đó có tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 26% lên 28%, tăng thuế VAT với các mặt hàng xa xỉ từ 10% lên 13%, với thức ăn chế biến sẵn, nhà hàng, phương tiện giao thông và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân từ 13% lên 23%. Với các khách sạn, thuế sẽ lên 13% từ 6,5% hiện tại.
Nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước eurozone dự kiến họp vào thứ Bảy này để thảo luận về kế hoạch của Hy Lạp. Còn lãnh đạo các nước trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ gặp nhau vào Chủ nhật để ra quyết định.
Hy Lạp hôm qua đã quyết định đóng cửa ngân hàng tới thứ Hai tuần sau, sau khi ECB không nới trần Hỗ trợ Thanh khoản Khẩn cấp (ELA) cho nước này. Hy Lạp đã vỡ nợ khoản vay 1,5 tỷ euro cho IMF ngày 1/7. Ngày 20/7 tới, họ sẽ phải hoàn trả 3,5 tỷ euro cho ECB.
Hôm qua Thủ tướng Đức - Angela Merkel cũng bác bỏ khả năng xóa một phần nợ cho Hy Lạp và "không tính đến chuyện này". Dù vậy, bà cũng không loại trừ các biện pháp giảm nợ khác, như khả năng hạ lãi suất hay gia hạn các khoản vay.
Giám đốc Nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm qua nhận định cuộc khủng hoảng Hy Lạp sẽ không đe dọa đến kinh tế toàn cầu. Do Hy Lạp chỉ đóng góp 2% GDP cho eurozone.
Hà Thu (theo AP)