Standard & Poor hôm qua hạ định mức tín nhiệm dài hạn và trung hạn đối với trái phiếu Hy Lạp từ mức BBB+ và A-2 lần lượt xuống còn BB+ và B. Định mức tín nhiệm nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Bồ Đào Nha cũng bị cắt từ mức A+ xuống còn A-. S&P lý giải cho quyết định của mình là sự yếu kém của hệ thống kinh tế tài chính nơi đây. Triển vọng của cả hai quốc gia này đều được đánh giá tiêu cực.
Lãi suất CDS (sản phẩm tài chính cho phép trao đổi nợ tín dụng) của Hy Lạp tăng 114 điểm cơ bản lên 824,5 điểm. Lãi suất này tại Bồ Đào Nha tăng 67 điểm lên 383 điểm. Lợi tức trái phiếu Hy Lạp kỳ hạn 2 năm thậm chí còn lên trên 18%, mức cao nhất kể từ 1998. Tuy nhiên, cả S&P và Bộ Tài chính Hy Lạp đều cho rằng, trước mắt, Chính phủ vẫn có khả năng lo được khoản tiền trị giá 8,5 tỷ euro (11,2 tỷ USD) để trả cho số trái phiếu đáo hạn vào ngày 19/5 tới.
Các chuyên gia lo ngại nếu khủng hoảng nợ bùng nổ ở Bồ Đào Nha thì địa điểm kế tiếp có thể sẽ là Tây Ban Nha.
Cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp tiếp tục diễn biến phức tạp. Ảnh: AP |
Cũng trong ngày 27/4, CEO Lloyd Blankfein và một số quan chức khác của ngân hàng Goldman Sachs đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về cáo buộc của Ủy ban Chứng khoán (SEC) nước này về việc lừa dối nhà đầu tư cũng như che giấu thông tin. Tại buổi điều trần, đại diện Goldman Sachs khẳng định họ đã kinh doanh hoàn toàn đúng luật và mạo hiểm là điều các nhà đầu tư phải chấp nhận. Tuy nhiên, hầu hết các nghị sĩ có mặt trong phiên họp đều cho rằng những thông tin mà lãnh đạo ngân hàng đưa ra là chưa đầy đủ, thuyết phục và cuộc điều tra vẫn sẽ tiếp tục được tiến hành.
Sự kiện S&P đánh tụt hạng tín nhiệm của Hy Lạp và Bồ Đào Nha khiến mối lo ngại của nhà đầu tư về một cuộc khủng hoảng tài chính tại khu vực đồng euro lớn dần trong khi các tài sản an toàn như đôla Mỹ hay vàng được chú ý trở lại.
Euro tụt xuống mức thấp nhất trong gần một năm qua so với đôla do lo ngại khủng hoảng nợ nần lan rộng tại châu Âu. So với yen Nhật, đồng tiền chung châu Âu giao dịch ở mức thấp nhất trong vòng 5 tuần qua. Đồng bảng Anh cũng chịu áp lực giảm giá so với các ngoại tệ mạnh khác do nhà đầu tư lo ngại về triển vọng cắt giảm thâm hụt ngân sách trước kỳ bầu cử.
Phiên giao dịch hôm qua tại Mỹ, đồng euro tụt xuống còn 1,3145 USD, thấp nhất kể từ 29/4 năm ngoái. Nhiều người đang đặt cược khả năng tỷ giá sẽ xuống tới 1,3 USD trong ngắn hạn. Trong khi đó, euro cũng chỉ đổi được 122,76 yen Nhật, giảm so với mức 1/122,88 yen trước đó. Đã có lúc mỗi euro chỉ ăn 122,37 yen, thấp nhất kể từ 25/3.
Giá vàng giao ngay tăng một mạch 20 USD, leo lên mức cao nhất kể từ ngày 4/12 năm ngoái là 1.172,30 USD một ounce. Các nhà đầu tư lao vào mua vàng do một mặt lo ngại những thông tin bi quan từ châu Âu, mặt khác được cổ vũ từ việc các quỹ đầu tư vàng lớn ồ ạt tăng lượng vàng nắm giữ. Đến sáng nay tại châu Á, mỗi ounce điều chỉnh giảm nhẹ nhưng không đáng kể, mất khoảng 3 USD so với mở cửa, xuống còn quanh 1.165 USD một ounce.
Trong khi đó, dầu thô giảm giá hơn 2%, xuống 82,44 USD một thùng tại thị trường giao dịch New York khi nhà đầu tư muốn rút khỏi thị trường năng lượng để đầu tư cho các tài sản an toàn. Tại London, giá dầu Brent cũng giảm 1,05 USD, xuống còn 85,78 USD một thùng.
Trong ngày hôm nay (28/4), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ có buổi làm việc với các lãnh đạo nghị viện Đức về việc giải ngân gói cứu trợ 60 tỷ USD cho Hy Lạp. Đức được xem là rào cản lớn nhất trong châu Âu trong vấn đề cứu trợ Hy Lạp. "Tại sao chúng ta phải gánh chịu cho thú tiêu xài hoang phí của Hy Lạp", Bild Zeitung, tờ báo lá cải bán chạy nhất ở Đức giật tiêu đề trên trang nhất. Khoảng 60% người Đức không muốn ra tay cứu giúp Hy Lạp, theo một khảo sát mà tờ Die Welt mới công bố.
Kỳ Duyên