Hôm thứ hai, Hy Lạp bán ra 5 tỷ euro (tương đương 6,7 tỷ USD) trái phiếu thời hạn 7 năm, với mức lãi suất 5,9%, cao hơn hầu hết các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, trái với sự thành công của đợt phát hành hồi đầu tháng, lần này, nhu cầu mua khá khiêm tốn. Số lượng nhà đầu tư quan tâm cũng ít hơn kỳ vọng. Mặc dù vậy, đợt phát hành lần này cũng giúp thị trường chứng khoán Hy Lạp có thêm 0,5% điểm. Đợt bán diễn ra chỉ ít ngày sau khi Hy Lạp nhận được phao cứu sinh từ EU và IMF.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp ông George Papaconstantinou nhận định gói cứu trợ mà EU vừa dành cho họ có thể mở đầu cho những thay đổi mang tính lịch sử và đem lại cung cách quản lý kinh tế mới cho các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Ảnh: AFP |
Báo cáo hôm qua cho thấy chi tiêu tiêu dùng của Mỹ chỉ tăng 0,3% trong tháng 2, so với mức tăng 0,4% tháng trước đó. Đồng thời, thu nhập bình quân của người Mỹ vẫn không thay đổi trong tháng 2, sau khi tăng nhẹ 0,3% trong tháng 1. Báo cáo này của Bộ Thương mại Mỹ cũng cho thấy đà tăng trưởng thu nhập đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 7 và tốc độ chi tiêu ít nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.
Người tiêu dùng Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng mức độ chi tiêu, nhưng với tốc độ chậm hơn trước khi thu nhập của họ không tăng lên. Ảnh: AFP |
Những báo cáo từ Mỹ và châu Âu khiến USD xuống mức thấp nhất suốt một tuần so với euro trong sáng nay, sau khi đóng cửa hôm qua cũng ở mức thấp nhất suốt 7 ngày so với đôla Australia. Tính đến 11h sáng 30/3 theo giờ Tokyo, mỗi euro tương đương 1,3478 đôla, so với mức 1,3483 USD hôm qua. Theo dự kiến, báo cáo hôm nay sẽ cho thấy kinh tế Pháp đang phục hồi với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 3/2009. Cùng lúc đó, báo cáo chỉ số lòng tin người tiêu dùng từ Mỹ được dự báo đang phục hồi.
Hôm nay, đồng yen tiếp tục tăng điểm so với 15 trên 16 loại tiền tệ chủ chốt khi các công ty Nhật Bản đang bận rộn chuyển đổi tiền lời thu được từ ngoài nước ra đồng yen trước khi năm tài chính Nhật Bản kết thúc vào ngày mai.
Đà mất điểm của đôla Mỹ kéo giá vàng lên mức cao nhất suốt 1 tuần lễ. Giá vàng giao ngay hiện đạt trên 1.109 USD một ounce. Kim loại quý này đang hướng đến mức tăng 1,1% trong quý đầu tiên năm 2010. Tuy nhiên, mức tăng này rất khiêm tốn so với 3 tháng cuối năm 2009 khi thị trường leo thang một mạch 8,9%.
Đà tăng giá của dầu thô hạ bớt tốc độ sau một báo cáo cho thấy sản lượng công nghiệp của Nhật Bản suy giảm lần đầu tiên trong vòng 1 năm. Báo cáo này khiến giới đầu tư lo ngại nhu cầu nhiên liệu tại các nước phát triển đang chậm lại. Nếu như hôm qua, hợp đồng dầu giao tháng 5 tăng tới 2,7% giá trị thì hôm nay, tốc độ đi lên chỉ còn 1%, đạt 82,18 USD một thùng.
Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong ngày thứ hai, được cổ vũ nhờ giá cả trên thị trường nhiên liệu. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 9/2008. Chỉ số Standard & Poor's 500 tăng 0,57% điểm, lên đứng ở 1.173,22 điểm. Kể từ đầu quý 1 đến nay, chỉ số S&P 500 đã tăng 5,2% điểm, so với mức tăng 5,5% điểm hồi quý 4. Đến sáng nay, chứng khoán châu Á tiếp tục đi lên, với chỉ số MSCI Asia Pacific Index đạt mức cao nhất suốt 10 tuần. Trong tuần này, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ nghỉ lễ vào ngày thứ 6.
Chủ tịch Ngân hàng thế giới Robert Zoellick hôm qua cho rằng đã đến lúc Trung Quốc cần định giá lại đồng tiền của họ. Tuyên bố này được đưa ra cùng thời điểm với Mỹ đang chỉ trích Bắc Kinh cố tình duy trì đồng nhân dân tệ thấp để được lợi trong hoạt động xuất khẩu. Theo tính toán của một số chuyên gia, đồng nhân nhân tệ đang được hạ thấp giá trị khoảng 40% so với đôla Mỹ.
Nhiều nước và định chế tài chính lớn đang sốt ruột thúc giục Trung Quốc nâng giá đồng nhân dân tệ. Ảnh: AFP |
Sáng nay, đến lượt Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Naoto Kan cho biết sẽ bàn bạc về vấn đề đồng nhân dân tệ với Chính phủ Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh vào cuối tuần này. Các nhà phân tích nhận định những ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực sẽ khiến các quốc gia châu Á muốn gia tăng áp lực tăng giá đồng nhân dân tệ.
Thanh Bình