Sau khi vượt xa các quốc gia châu Âu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Hy Lạp, quốc gia từng là tâm điểm của cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất châu Âu, đang đi ngược lại xu hướng làm việc ít ngày của châu lục. Kể từ ngày 1/7, nhiều lao động trong các ngành công nghiệp, bán lẻ, nông nghiệp và một số lĩnh vực dịch vụ sẽ làm việc 48 giờ một tuần nếu chủ lao động cho rằng điều đó là cần thiết.
Người lao động có thể chọn làm 5 ngày một tuần, mỗi ngày làm thêm hai tiếng hoặc làm 6 ngày một tuần, hưởng mức lương làm thêm giờ cao hơn 40% lương thông thường.
Người dân Hy Lạp vốn có giờ làm việc dài nhất ở châu Âu, với trung bình 41 tiếng một tuần, theo cơ quan thống kê châu Âu Eurostat. Những người phản đối luật mới đã xuống đường biểu tình vì cho rằng nó không có tác dụng làm tăng năng suất lao động, cũng như cải thiện tỷ lệ có việc làm ở Hy Lạp.
Họ chỉ ra rằng nhiều chương trình thử nghiệm giờ làm việc 4 ngày một tuần cho thấy chế độ này có tác dụng cải thiện năng suất lao động. Năm 2022, Bỉ đã ban hành luật, trao quyền cho người lao động lựa chọn làm việc 4 ngày một tuần thay vì 5 ngày. Các chương trình thí điểm đang được tiến hành ở những nước khác như Anh, Đức, Nhật Bản, Nam Phi và Canada.
Mặc dù luật mới được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, những người phản đối cho rằng nó sẽ biến làm việc 6 ngày một tuần trở thành tiêu chuẩn. "Luật mới sẽ loại bỏ vĩnh viễn chế độ làm việc 5 ngày một tuần. Chủ lao động có quyền yêu cầu nhân viên làm việc ngày thứ sáu trong tuần và nhân viên không thể từ chối", Aris Kazakos, giáo sư luật lao động tại Đại học Aristotle ở Thessaloniki, nói.
Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho rằng sáng kiến này rất cần thiết bởi Hy Lạp đang đối mặt hai nguy cơ lớn là suy giảm dân số và thiếu lao động lành nghề.
Ông Mitsotakis gọi sự thay đổi nhân khẩu học ở Hy Lạp là "quả bom hẹn giờ". Quốc gia này cũng đối mặt tình trạng chảy máu chất xám khi ước tính 500.000 người Hy Lạp trẻ tuổi, có trình độ học vấn, đã di cư sang nước ngoài từ khi cuộc khủng hoảng nợ kéo dài gần một thập kỷ nổ ra cuối năm 2009.
"Cốt lõi của luật này là thúc đẩy tăng trưởng và thân thiện với người lao động", ông Mitsotakis giải thích trước khi quốc hội thông qua luật năm ngoái. "Luật sẽ đưa Hy Lạp ngang hàng với những nước khác ở châu Âu".
Hồng Hạnh (Theo Guardian, DW)