Người đẹp nhận giải thưởng 300 triệu đồng tiền mặt, vương miện, suất thi Miss World hoặc Miss International. Trước đó, trong phần thi ứng xử, cô nhận câu hỏi: "Thế giới đã đạt mốc 8 tỷ người, trong biển người mênh mông đó, bạn định vị cá nhân mình thế nào?".
Cô đáp: "Ngày 15/11/2022 đánh dấu cột mốc thế giới có 8 tỷ người. Tôi tự hỏi rằng giữa biển người mênh mông đó, tôi có trở nên nhỏ bé giữa thế giới ấy không. Bằng sự nỗ lực, kiên cường, tôi tin mình có thể cống hiến, mang lại những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống".
Chiến thắng của Thanh Thủy khá bất ngờ, do cô không thuộc top nổi bật, cũng không gây chú ý với truyền thông từ đầu cuộc thi. Tuy nhiên, thí sinh giữ thành tích ổn định, chiến thắng ở phần thi phụ Người đẹp thể thao, vào top 7 Người đẹp truyền thông, top 18 Người đẹp nhân ái.
Cô cao 1,75 m, hình thể săn chắc, số đo ba vòng là 80-63-94 cm. Cô từng đoạt danh hiệu hoa khôi Đại học Ngoại ngữ trực thuộc Đại học Đà Nẵng, Á khôi 1 cuộc thi Học sinh - Sinh viên thanh lịch TP Đà Nẵng năm 2021. Hiện cô là sinh viên năm hai khoa Ngôn ngữ Anh, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng.
Á hậu 1 là Trịnh Thùy Linh, 21 tuổi, quê Thanh Hóa. Cô là sinh viên ngành Kinh doanh và Marketing của Đại học Kinh tế Quốc dân. Người đẹp tạo sức hút ở chặng nước rút, nhất là sau đêm thi "Người đẹp áo tắm", vào top 3. Thùy Linh có hình thể cân đối với chiều cao 1,72 m, số đo lần lượt 87-58-95 cm, phong cách trẻ trung.
Á hậu 2 là Lê Nguyễn Ngọc Hằng, sinh năm 2003, đến từ TP HCM. Cô là sinh viên Đại học Western Sydney (cơ sở đào tạo ở Việt Nam). Người đẹp cao 1,74 m với số đo ba vòng 85-60-89 cm. Ngọc Hằng giàu kinh nghiệm nhất top 3, từng vào top 10 Miss World Vietnam 2022 hồi tháng 8.
Hai gương mặt còn lại trong top 5 là Nguyễn Ngọc Mai, Hoàng Hương Giang. Trên fanpage cuộc thi, một số khán giả tiếc nuối khi Bé Quyên - thí sinh có lượng fan lớn, được nhiều người dự đoán đăng quang, trượt top 5.
Trong đêm chung kết dài ba tiếng, các thí sinh lần lượt trải qua phần thi trình diễn áo dài (top 35), áo tắm (top 20), đầm dạ hội (top 10), ứng xử (top 5). Chương trình bám sát format cuộc thi Miss World, đề cao phần thi Người đẹp Nhân ái. Ở phần ứng xử, ban tổ chức đưa ra các câu hỏi gần gũi hơn so với nhiều cuộc thi sắc đẹp khác, với các chủ đề liên quan dân số, gia đình, sức khỏe sinh sản.
Tuy nhiên, đêm thi có một số điểm trừ. Các phần trao giải phụ, chiếu video hoạt động bên lề lê thê, còn một số phần thi như trình diễn áo tắm lại diễn ra chóng vánh. Các thí sinh ít có thời lượng xuất hiện, chỉ đến khi công bố top 10 họ mới có cơ hội tỏa sáng trên sân khấu.
Ba MC - Lương Thùy Linh, Mai Phương và Vũ Mạnh Cường - đôi chỗ mắc lỗi rườm rà khi dẫn trực tiếp. Ở phần thi ứng xử của Top 5, việc Lương Thùy Linh liên tục chêm bình luận "câu hỏi khó", "câu trả lời nuốt micro", bị một số khán giả cho là chưa phù hợp với vai trò của cô.
Phát biểu trước khi hết vai trò đương kim hoa hậu, người đẹp Đỗ Thị Hà xúc động nói biết ơn những trải nghiệm trong hai năm qua, kể cả việc cô từng bị miệt thị - những điều đã giúp cô trưởng thành hơn. Tuy nhiên, cô không kiểm soát được cảm xúc, khóc nức nở, khiến phần phát biểu không tròn trịa.
Sân khấu năm nay được thiết kế tối giản với tông màu hồng, đen chủ đạo, thể hiện tinh thần và tiêu chí cuộc thi - tôn vinh vẻ đẹp Á châu. Ban tổ chức còn chú trọng vào visual, dàn dựng âm thanh ánh sáng, bố trí màn hình led... tạo điểm nhấn.
Ban giám khảo gồm nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong (trưởng ban), nhà thơ Trần Hữu Việt, NSƯT Xuân Bắc, nhà thiết kế Lê Thanh Hòa, Á hậu Nguyễn Thuỵ Vân, Hoa hậu Trần Tiểu Vy, Hoa hậu Nguyễn Lê Bảo Ngọc.
Hoa hậu Việt Nam là cuộc thi sắc đẹp được báo Tiền Phong khởi xướng, tổ chức lần đầu năm 1988, người đầu tiên giữ vương miện là Bùi Bích Phương. Từ năm 2014, Sen Vàng Productions tham gia sản xuất chương trình, đồng thời giành quyền cử người đẹp đi thi Miss World.
Cao Hoàng Thu (ảnh: Kiếng Cận Team)
Xem diễn biến chính