David Barboza -
![]() |
Bản tiếng Việt cuốn "Huynh đệ". |
Cuốn sách gồm hai tập, xuất bản vào năm 2005, 2006 và đã bán ra được gần 1 triệu bản – một con số không hề khiêm tốn tại đất nước mà nạn copy sách diễn ra tràn lan và độc giả hoàn toàn có thể download tiểu thuyết miễn phí một cách dễ dàng từ Internet.
Trung Quốc trong tưởng tượng của Dư là một phiên bản đầy khôi hài của thế giới thực tại. Đó là một xã hội điên đảo, không luân lý, không luật pháp, nơi mà những trò tham nhũng, cờ bạc, đĩ điếm và buôn gian bán lận là chuyện thường ngày ở huyện.
Cuốn tiểu thuyết nhận được nhiều lời chỉ trích khá nặng nề. Một số nhà phê bình tỏ ý thất vọng khi Dư Hoa - một trong những tác giả đáng kính nhất tại Trung Quốc hiện nay - lại sản xuất ra một tác phẩm đáng gọi là rác rưởi và mang đầy hơi hướng, kiểu cách Hollywood như vậy.
Tuy nhiên, không ít người lên tiếng tán dương cuốn sách, coi đây là một bức tranh sống động về một xã hội Trung Quốc ngày càng thực dụng, buông thả và mất thăng bằng.
"Về cơ bản, tôi không đồng ý với các nhà phê bình. Đây là một tác phẩm lớn và Dư Hoa là một trong những nhà văn Trung Quốc đương đại tài năng nhất", Liu Kang, giáo sư Đại học Duke tại Bắc Carolina, nhận xét.
Dư Hoa năm nay 46 tuổi. Dáng người ông thấp đậm, trông trẻ hơn so với tuổi thực. Ông sở hữu mái tóc dày, đen và nụ cười hài hước thường trực. Nhà văn cũng thường xuyên hút thuốc. Trông ông, người ta dễ nhầm với một công nhân hơn.
"Những câu chuyện tôi kể hơi cực đoan, nhưng bạn hoàn toàn có thể tìm thấy chúng tại Trung Quốc", tác giả tâm sự trong một cuộc phỏng vấn tại Bắc Kinh, nơi ông đang sống cùng vợ và đứa con trai 12 tuổi.
Dư cho biết, tác phẩm của ông bắt rễ từ mảnh đất nơi ông được sinh ra. Ông sinh năm 1960 tại thị trấn nhỏ ở Hàng Châu trong một gia đình có cả bố và mẹ đều là bác sĩ.
![]() |
Nhà văn Dư Hoa. |
Năm nhà văn lên 6, cuộc Đại cách mạng văn hoá tại Trung Quốc do Mao Trạch Đông khởi xướng bắt đầu. Theo lời ông, cũng như nhiều nhà trí thức đương thời, bố mẹ nhà văn bị buộc phải đi lao động tại một làng quê vùng nông thôn.
Trong Cách mạng văn hóa, các trường học bị đóng cửa, hầu hết sách vở đều bị cấm, vì vậy, nhà văn tương lai thường lang thang trên đường phố, tìm bất cứ thứ gì có thể đọc được.
Lúc này, ông rất ấn tượng với những tấm áp phích khổ lớn, nơi người dân có thể tự tay tố khổ hoặc tố giác chính những người hàng xóm láng giềng của mình.
Từ những tấm áp phích thô thiển và cay độc đó, Dư khám phá ra sức mạnh của ngôn ngữ. "Bạn có thể đọc được mọi thứ từ đây, kể cả chuyện tình dục, chúng giống như là các blog ngày nay vậy", nhà văn tiết lộ.
Năm 1976, Dư 16 tuổi, tốt nghiệp phổ thông và được đào tạo để trở thành nha sĩ - một công việc mà ông, dẫu ghét, vẫn phải thực hành suốt 5 năm.
"Khoang miệng là cái quang cảnh khó chịu nhất trên thế giới", ông nha sĩ bất đắc dĩ bày tỏ.
Sau đó, Dư Hoa tìm được việc làm tại một trung tâm văn hoá địa phương và bắt đầu viết truyện, tiểu thuyết. Cuối thập kỷ 70, đầu 80, Trung Quốc từ từ mở cửa nên người dân bắt đầu được tiếp xúc với các tác phẩm ngoại văn phương Tây. Dư Hoa đam mê tác phẩm của những nhà văn như Franz Kafka, Gabriel García Márquez và Jorge Luís Borges – những tác giả luôn xóa nhoà ranh giới giữa sự thực và cái hư ảo. Tác phẩm của chính ông về sau cũng tràn ngập những dấn ấn được ông gọi là "cơn thịnh nộ chống lại thế giới" - một phản ứng đối với sự tàn bạo vô tận mà nhà văn từng chứng kiến trong cuộc Cách mạng văn hoá.
Cuốn tiểu thuyết đầy tay của ông Leaving Home at 18 xuất bản năm 1987, lúc nhà văn chỉ mới 27 tuổi. Tác phẩm chỉ tiêu thụ một cách èo uột nhưng đã có công ghi danh tác giả vào nhóm những nhà văn tiên phong. Phải đến những truyện ngắn siêu thực tràn đầy bạo lực và tình dục xuất bản cùng vào thập kỷ đó mới đủ sức đẩy ông lên hàng sao trên văn đàn Trung Quốc đương thời.
Năm 1992, nhà văn tăng tốc, khiến cho không ít những người đã buông lời tán dương các tác phẩm thử nghiệm của ông phải lấy làm khó chịu. Ông ra mắt Phải sống - cuốn tiểu thuyết hiện thực về cuộc đấu tranh sinh tồn của một gia đình trong Cách mạng văn hoá. Cuốn sách đã được đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim và đoạt giải lớn tại Liên hoan phim Cannes 1994. Phải sống mang đến danh tiếng cho đạo diễn họ Trương và biến Dư thành nhà văn ăn khách hàng đầu tại Trung Quốc.
Năm 1996, tiếp theo Phải sống là Chuyện Hứa Tam Quan bán máu. Hai tiểu thuyết ấn tượng đã quyết định vị trí chiếu trên của Dư Hoa trong làng văn Trung Quốc, ngồi chung với Mo Yan (Mạc Ngôn) và Wang Anyi (Vương An Ức).
Phải sống và Chuyện Hứa Tam Quan bán máu đều đã được dịch sang tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ (Random House). Năm 1998, Dư nhận giải thưởng văn học uy tín của Italy Premio Grinzane Cavour – một giải thưởng từng tôn vinh những nhà văn đoạt giải Nobel như Nadine Gordimer và Günter Grass.
Sau những năm tháng "mắn đẻ", Dư Hoa bỗng trở nên yên lặng suốt gần 10 năm. Trong khoảng thời gian đó, ông hầu như không xuất bản tác phẩm nào mà chỉ đi du lịch, viết tiểu luận và nung nấu dự định về một cuốn tiểu thuyết lịch sử đồ sộ.
Hai năm trước, sau 7 tháng du lịch đến Mỹ, nhà văn gác cuốn tiểu thuyết lịch sử lại và bắt tay xây dựng câu chuyện về một Trung Quốc mới qua con mắt của hai anh em khác cha khác mẹ.
"Thế hệ chúng tôi dường như nếm trải nhiều hơn bất cứ thế hệ nào khác. 20 năm đầu tiên trong cuộc đời, tôi sống trong đói nghèo và bị áp bức. 20 năm tiếp theo, tôi sống trong một xã hội ngày càng dư dật của cải và sự tự do. Tôi muốn ghi chép lại hai thời đại này trong bất cứ một sáng tác nào của mình", nhà văn nói.
Kết quả là Huynh đệ - cuốn tiểu thuyết mà cả Penguin lẫn Random House đều muốn giành quyền xuất bản - đã ra đời.
Tập 1 là cuộc sống của hai anh em trong Cách mạng văn hoá - một địa hạt thích hợp cho giọng điệu "umua đen" của Dư Hoa. Tập sách kết thúc với cảnh, cha của hai đứa trẻ bị một đám đông đánh đập cho đến chết. Chúng trở thành những đứa bé mồ côi.
Tập 2 diễn ra khi Trung Quốc tiến hành cuộc cải cách kinh tế những năm 80. Hai anh em, cũng như bao nhiêu người khác, bị cuốn vào cơn lốc làm giàu của cả xã hội.
Huynh đệ đầy rẫy những chi tiết mang tính biểu tượng, từ cảnh thủ dâm cho đến những cảnh chết chóc, đó là chưa kể đến những trang viết miêu tả thói quen nhìn trộm phụ nữ của cánh đàn ông tại các nhà vệ sinh công cộng. Không hiểu vì sao những chi tiết như vậy lại qua được mắt của các nhà kiểm duyệt. Có lẽ vì Dư Hoa đã được bảo chứng bằng sự nổi tiếng, bằng những cuốn tiểu thuyết đã quá thành công trong thập kỷ 90 và có lẽ vì ông là người sở hữu một blog được nhiều người thăm viếng, tác giả của những bài giảng khắp châu Âu và nước Mỹ.
Dẫu có như vậy, cuốn sách vẫn khiến cho nhiều người thấy chướng tai gai mắt.
"Tôi thực sự thấy thất vọng với Huynh đệ. Tôi không hiểu tại sao một nhà văn quan trọng và nổi tiếng - tác giả của những tác phẩm kiệt xuất như vậy - lại đi viết một cuốn tiểu thuyết lố bịch, thô tục, như một vở kịch uỷ mị, rẻ tiền đến thế", Sun Kai, biên tập viên tạp chí tiếng Trung Oriental Outlook, nhận xét.
Một số người khác so sánh Huynh đệ với Cô gái Thượng Hải hay Búp bê Bắc Kinh - những cuốn tiểu thuyết bình dân của các cô gái trẻ, miêu tả một cách chi tiết đời sống tình dục của chính mình.
Nhưng Dư không hề tỏ ra hối tiếc về phong cách cũng như đề tài cuốn tiểu thuyết của mình. "Trong cách mạng văn hoá, chúng tôi sống trong một xã hội khép kín. Mọi thứ đều ngu xuẩn, trắng đen lẫn lộn. Nếu bạn sống chệnh hướng, bạn sẽ chết. Nhưng rồi, thời đại tăng trưởng kinh tế cũng điên dại không kém. Tất cả những trò xấu xa đồi bại được bày ra. Xã hội Trung Quốc trở nên trống rỗng. Sau khi kiếm được tiền, người ta chẳng biết nên làm gì với nó", nhà văn tâm sự.
Một minh chứng hoàn hảo cho chủ để này là hình ảnh nhân vật Li Guangtou - một trong những doanh nhân siêu giàu của Trung Quốc.
"Anh đang nghĩ đến việc tiêu 20 triệu USD cho một chuyến du lịch ngoài trái đất trên chiếc tàu con thoi của Nga. Ngồi trên bệ toilet mạ vàng, họ Lý đầu hói nhắm nghiền mắt, mường tượng ra cảnh mình lơ lửng trong quỹ đạo, bao quanh là khoảng không tĩnh lặng thăm thẳm...", Dư Hoa viết trong cuốn tiểu thuyết.
"Trung Quốc, từ Cách mạng văn hoá đến thời đại bùng nổ kinh tế ngày hôm nay đã bước từ thái cực này đến thái cực khác", nhà văn nhận xét.
"Nếu muốn bàn đến Trung Quốc hiện đại, bạn phải hiểu về Cách mạng văn hoá. Vấn đề không chỉ là tiền bạc. Trong Cách mạng văn hoá, cá nhân không có chỗ đứng, không có một vũ đài nào, tất cả thuộc về chính quyền. Nhưng ngày nay, ai cũng có vũ đài, cũng có sân khấu cả và ngày nào bạn cũng có thể chứng kiến những cuộc trình diễn ở trên đó", Dư Hoa nói.
Theo ông, những năm 60, nhà nước thò tay vào tất cả những khía cạnh cá nhân của cuộc sống con người, kể cả việc chọn bạn đời. Còn ngày nay, nhà văn nói: "Người ta hăm hở theo đuổi tự do, tiền bạc và tình dục. Nên đã có quá nhiều tự do chăng?".
Hà Linh dịch
(Nguồn: IHT)