Ngày 20/10, đại tá Lê Văn Hồng, Trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46, Công an tỉnh Quảng Nam), cho biết đơn vị này đã hồi đáp UBND huyện Phước Sơn về nội dung lá đơn xin trả lại gỗ vi phạm.
“Làm như vậy là sai nguyên tắc, không có cơ sở để trả lại gỗ. Chúng tôi không thể chấp nhận đề nghị đó của chủ tịch huyện vì quá vô lý và sẽ tạo tiền lệ xấu cho việc phá rừng ”, đại tá Hồng nói.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 12/8 tổ công tác của PC46 phối hợp với nhiều đơn vị phát hiện số lượng lớn gỗ trái phép cất giấu ở bãi đất gần nhà ông Tân Tấn Thìn (53 tuổi, xã Phước Đức, Phước Sơn). 57 phách gỗ được xác định có khối lượng gần 7m3 gồm các loại từ nhóm VI đến nhóm IIA.
Lúc nhà chức trách kiểm tra, ông Thìn chỉ nhận 30 phách gỗ được giấu phía sau nhà là của mình, còn số gỗ giấu ở bãi đất trống cạnh nhà không có người nhận. Tuy nhiên, khi PC 46 lập biên bản, ông Thìn không nhận là chủ số gỗ trên. Tổ công tác quyết định tịch thu toàn bộ số gỗ quý và gửi tại trụ sở Kiểm lâm Phước Sơn chờ xử lý.
Sau đó, công an tỉnh Quảng Nam nhận được công văn của ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch huyện Phước Sơn với nội dung “đề nghị quan tâm giải quyết đơn xin cứu xét của công dân”. Công văn này cho rằng, ông Thìn là hộ cận nghèo, gia đình có công với cách mạng, số gỗ bị thu giữ là của gia đình ông này mua lại của người dân để làm nhà. “Ông Thìn không có dấu hiệu mua bán, kinh doanh gỗ nên đề nghị công an tỉnh xem xét, tạo điều kiện cho ông này nhận lại số gỗ đã bị tịch thu”, công văn trình bày.
“Điều này quá vô lý, gần 7m3 gỗ quý chứ không phải ít. Đại gia muốn mua số gỗ này làm nhà còn khó, một hộ cận nghèo mà làm nhà toàn gỗ quý thế này thì không thể tin được”, một điều tra viên của PC 46 nói.
Lý giải về công văn này, lãnh đạo huyện Phước Sơn thừa nhận ông Thìn mua gỗ không rõ nguồn gốc là sai. “Tuy nhiên, do ông Thìn làm đơn gửi huyện nên chủ tịch huyện mới đề nghị Công an tỉnh xem xét, trả lại gỗ. Còn ai làm sai thì người đó chịu, huyện không liên quan”, vị này nói.
Người đứng đầu PC 46 cho hay, đây là lần đầu tiên huyện gửi công văn đề nghị công an trả lại gỗ bị tịch thu. “Lúc đầu ông Thìn phủ nhận số gỗ đó là của mình nên chúng tôi chỉ tịch thu mà không xử phạt. Bây giờ ông lại nhận thì khác gì ‘lạy ông tôi ở bụi này’, tự nhận mình là lâm tặc nên sẽ phải xử phạt”, đại tá Hồng nói và cho hay sau căn cứ vào nội dung công văn của huyện, đã đủ cơ sở để xác định gỗ là của ông Thìn. Không những không trả lại gỗ, đơn vị này còn chuyển hồ sơ cho kiểm lâm để xử phạt về hành vi Tàng trữ, mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép đối với ông Thìn.
Tiến Hùng