- Tháng 9 vừa qua, chị khiến làng mốt Việt bất ngờ khi xuất hiện ở London Fashion Week và trình diễn show của nhà thiết kế Hàn Quốc Eugene Lin. Những điều gì khiến chị hài lòng về chuyến đi?
- Chuyến đi vừa đủ để hài lòng nhưng tôi vẫn không quên còn rất nhiều điều cần làm phía trước. Thú thật, tôi cũng chuẩn bị một số kế hoạch riêng cho chuyến đi. Nhưng khi qua đó, mọi thứ có vẻ không quá thuận lợi. Nhưng bù lại có những cơ hội bất ngờ đến với mình. Chính những điều đó giúp chuyến đi của tôi trở nên đáng giá hơn.
Tôi không đặt nặng vấn đề casting để giành một show diễn. Ngày tôi đến London thì những show lớn đã kết sổ từ cả tháng trước. Show nhỏ thì còn nhưng ưu tiên cho những người nhiều giàu kinh nghiệm hơn từ các công ty lớn. Chưa kể, trình diễn mùa Xuân Hè nên người ta cũng chuộng tạng người mẫu gầy để khoe được các thiết kế mỏng, màu sắc.
Mỗi khi có ai hỏi: "Lần này có diễn gì không", tôi đều nói "không". Đến cả khi diễn tôi cũng không báo ai. Show diễn hoàn thành, có báo chí nước ngoài lên bài tôi mới dám nói. Tôi rất mừng vì mình đã làm tốt. Một dạo trước mọi người hay nói rằng tôi đang đứng lại. Tôi rất muốn chứng minh - không chỉ bằng lời nói - rằng bản thân tôi vẫn đang cố gắng.
- Là quán quân một cuộc thi người mẫu mà phải vất vả tự đi casting khắp nơi tìm cơ hội, chị có bao giờ chạnh lòng về điều này?
- Nghe khó tin nhưng tôi chạnh lòng ở thị trường trong nước nhiều hơn là trên sàn quốc tế. Trước khi đi Mỹ, tôi có một khởi đầu rất tốt. Nếu được tận dụng tốt tôi chắc chắn đã đi được một chặng đường dài hơn. Ngày từ Mỹ về Việt Nam, tôi gần như là đi lại từ đầu. Dù vậy, đây là con đường tôi lựa chọn.
Nhưng khi ra nước ngoài, tôi thấy bình đẳng, kể cả những bạn từ các nước khác qua hay những người mẫu "gà nhà". Thế giới thời trang bên đó vốn thế mà. Trừ khi leo lên hạng super model, còn lại thì ai cũng như ai. Kinh khủng nhất là thời gian đầu tôi bị sốc với hàng chục lời từ chối và những lời chê tan nát từ các nhà tuyển dụng.
- Chị trải nghiệm cuộc sống người mẫu ở New York như thế nào?
- Không đẹp như chúng ta vẫn nghĩ (cười). New York là thị trường thời trang lớn, người mẫu rất nhiều nên cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Ở Mỹ, người mẫu được yêu cầu phải có "size 0" (số đo nhỏ nhất của quần áo theo đơn vị quốc tế - PV). Dù cao 1,7 m hay 1,8 m, số đo 3 vòng của bạn buộc phải bằng nhau để mặc được đồ mẫu. Đây là một thử thách rất khắc nghiệt với những người thể trạng to như tôi.
Gần nửa năm sống ở đây, tôi bị ám ảnh bởi một ý nghĩ vào mỗi buổi sáng thức dậy: phải giảm cân. Tôi nhịn ăn nhưng vẫn tập thể dục, sức khỏe đi xuống, tinh thần mệt mỏi vì những lời thúc giục: "Vẫn còn mập lắm". Mà vừa ốm được một tý, ăn thoải mái một bữa là lại tăng liền 2 kg.
Cuộc sống của tôi lúc đó khủng hoảng, thậm chí rơi vào bất ổn tâm lý. Phải mất thời gian rất lâu, tôi mới chấp nhận có những thứ không thể thuộc về mình. Tôi không thể ép cân thành người mẫu size 0. Việc của tôi là phải tìm ra cách tồn tại với cơ thể hiện tại. Tôi rời New York cũng là để tìm câu trả lời.
- Ngoài cân nặng, còn lý do nào khiến chị rời bỏ New York?
- Lý do lớn nhất là thị trường thời trang ở Việt Nam đang rất tiềm năng và còn nhiều cơ hội dành cho tôi. Và về nhà, tôi thấy vui vẻ, thoải mái hơn. Tôi vẫn ăn uống chừng mực nhưng không quá hà khắc với bản thân như trước.
Một nơi thật tốt nhưng nếu không đủ sức mà vẫn cố, bạn sẽ chuốc lấy tai hại thay vì thành công. Có những thứ cần phải chờ và cần phải luyện. Tôi tin vào điều đó.
- Các người mẫu Việt Nam thường có xu hướng xuất ngoại để có danh hiệu "người mẫu quốc tế". Chị thì sao?
- Gọi tôi là "người mẫu đi diễn quốc tế" thì miễn cưỡng chấp nhận được vì tôi diễn ở nước ngoài vài lần, xem như ít nhiều hiểu về thời trang thế giới. Nhưng "người mẫu quốc tế" thì tôi không dám nhận. Không ai trao danh hiệu diva cho một giọng ca mới. Tôi cảm thấy an toàn hơn khi mọi người gọi tôi là "người mẫu", đừng gắn thêm "quốc tế" vào.
- Những đàn em của chị như Hoàng Thùy, Lê Thúy… được rất nhiều người quan tâm giúp đỡ, trong khi chị vẫn tự thân vận động. Chị bình luận sao?
- Thì cũng như nuôi con thôi, để trẻ hiếu động một tí, không cần bao bọc quá cũng tốt mà. Giờ có thể tôi chưa đình đám gì nhưng "quăng" tôi vào bất kỳ một thị trường nào tôi vẫn có thể sống sót và làm việc được. Đó không hẳn là một điều quá tệ.
Tôi cũng nhận được nhiều lời mời đầu quân cho các công ty riêng nhưng chưa nhận lời vì có một số điều khoản không thỏa thuận được. Tôi cũng đang trong quá trình tìm một êkíp để bớt lẻ loi, nhưng có lẽ duyên chưa tới, tôi vẫn đang đi một mình, với sự hỗ trợ của rất nhiều bạn bè khác.
- Ờ Việt Nam, các nhà thiết kế thường chọn "vedette" dựa trên mối quan hệ hơn là năng lực của người mẫu. Chị đánh giá thế nào về nhận định này?
- Thật ra, ở đâu cũng cần mối quan hệ để phát triển lẫn nhau. Ở nước ngoài, các công ty quản lý cũng kết hợp với nhà thiết kế đẩy những "gà cưng" của họ làm "first face" trên các chương trình thời trang lớn.
Với tôi, vedette chính xác là từ dành cho những cái tên đang hot trong giới. Để đạt được điều đó họ cũng bỏ không ít mồ hôi công sức. Tôi nghĩ mình phải đánh giá công bằng. Hiện giờ tôi vẫn chưa thấy bất công lắm, vì rõ ràng trên vài phương diện họ vẫn hơn tôi.
Bản thân tôi cũng tự cảm thấy mình tụt hậu khi chỉ chăm chăm làm tốt chuyên môn mà bỏ bê vấn đề cập nhật hình ảnh. Tôi vẫn xuất hiện trên tạp chí rất nhiều, nhưng nhiều khán giả lại bảo tôi mất tích. Sau khi thay đổi, mối quan hệ của mình được mở rộng, nhiều bạn tâm sự, họ đã bắt đầu thấy Trang Khiếu nhiều hơn, từ Facebook đến báo điện tử.
- Cá tính có phần bộc trực và hơi nhàm chán của Huyền Trang không phù hợp lắm với showbiz. Chị nghĩ sao?
- Trước Vietnam's Next Top Model, tôi là sinh viên của ngành điều dưỡng. Hồi ấy, tôi nghĩ đơn giản tính mình nhút nhát nhưng biết quan tâm mọi người, học ngành này là hợp. Học được hai năm thì thấy mình vẫn nhàm chán, tôi muốn ngừng học thi lại quản trị kinh doanh. Cùng lúc đó, tôi tham gia rất nhiều cuộc thi: Vietnam Idol, Hoa hậu Việt Nam 2010 và dừng lại ở top 40. Mà thật sự tới Next Top vẫn là thi cho biết, chứ khái niệm người mẫu vẫn còn rất xa vời.
Nhiều lúc nghĩ lại, tôi thấy mình cũng khá ham vui. Khi sang New York, tôi từng định vào trường sĩ quan và tìm kiếm thông tin hết rồi. Tối lên sàn cawalk nhưng sáng vẫn chơi đủ môn thể thao: leo núi, đá bóng, võ thuật... những thứ không dành cho giới chân dài. Nhưng chúng làm tôi thấy mình có ích hơn là làm một búp bê trong tủ kính.
- Sau khi hình ảnh của chị xuất hiện trong VN's Next Top Model, có thông tin chị đã quay lưng với Hà Anh và hợp tác lại với BeU. Chị trả lới sao?
- Bạn kể vẫn chưa đủ. Khi tôi đi event của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường, người ta rất sững sờ, cứ như họ mặc định tôi và anh hay ban tổ chức Top Model ghét nhau ghê lắm. Gần nhất, khi tôi mặc một chiếc đầm của anh, nhiều người chạy tới hỏi lý do.
Các anh chị Nam Trung, Xuân Lan hay Đỗ Mạnh Cường tôi gặp đều đặn trong các show diễn, họ rất tốt với tôi. Câu chuyện cũ có thể là một mâu thuẫn lớn nhưng không có nghĩa là một "sad ending". Còn tôi với chị Hà Anh vẫn bình thường. Chuyến đi Anh vừa rồi có thể sẽ không thực hiện được nếu chị Hà Anh không giới thiệu bạn bè của chị giúp đỡ. Trong cuốn sách của mình, chị cũng nhờ tôi viết một đoạn nhỏ.
Tuy không ký kết làm việc với BeU nhưng BeU cũng nhiều lần bày tỏ thiện chí mời tôi dự các sự kiện của họ, tôi nghĩ sẽ không phải phép nếu cứ từ chối mãi.
Vân An thực hiện