Làng K’Xêêng, xã Dang, huyện Tây Giang, là một trong những điểm an toàn trong cơn lũ dữ cuối năm ngoái. 38 ngôi nhà với 154 nhân khẩu, dựng san sát nhau, quây quanh ngọn đồi thấp, ngoài cùng là hàng tre chống sạt lở đất. Khoảng đất trống giữa làng rộng 2 hecta được bố trí nhà Gươl, sân bóng đá, bóng chuyền.
Ông Bling Niên, trưởng thôn K'Xêêng, sở hữu ngôi nhà gỗ rộng gần 100 m2 với hai phòng ngủ, một phòng khách và bếp nấu ăn, khu vệ nằm phía sau. Khu vườn khoảng 30 m2 trồng nhiều loại rau xanh.
Ông Niên kể, trước đây người dân sống biệt lập giữa rừng, dựng nhà sàn dọc theo triền đồi núi gần suối Kang, phía dưới chăn nuôi, phía trên sinh hoạt. Do nằm nơi heo hút, đường đi cách trở nên thôn K’Xêêng không có đường bê tông, điện, trường học. Nông sản làm ra tiêu thụ khó khăn, bọn trẻ đến trường gần 10 km.
"Mỗi lần mưa bão, mọi người đến những ngôi nhà nằm cách xa vách núi để trú tránh. Nhà nằm gần suối bị nước lũ tràn về, nhẹ thì cuốn trôi tài sản, nặng thì kéo sập", trưởng thôn nói.
Đầu năm 2013, chính quyền gặp người dân và bàn phương án chuyển về nơi ở mới cách 8 km. Một cuộc họp diễn ra, lãnh đạo huyện, xã thông tin đã tìm được nơi có mặt bằng 4 hecta, mỗi hộ dân chuyển đến được hỗ 30 triệu đồng.
Trong thôn nhiều người phản đối với lý do đã ở đây nhiều năm, cuộc sống ổn định. Chưa tìm được tiếng nói chung nên phương án dời làng tạm dừng. Chính quyền sau đó kiên trì họp dân, giải thích về làng mới gần trung tâm xã, con em đến trường học gần, nhà nước làm đường, kéo điện, nước sinh hoạt... Bà con sau đó đồng thuận di dời đến nơi ở mới.
Tháng 4/2013, huyện Tây Giang cho san ủi, hạ thấp một ngọn đồi cao 50 m xuống còn 25 m, tạo thành diện tích 4 hecta. Mỗi hộ dân nhận 200 m2 dựng nhà và sân vườn. Trong 2 tháng, người dân đổi công cho nhau chuyển nhà, 38 hộ dân hình thành làng K’Xêêng. Đây là làng đầu tiên của xã Dang chuyển về khu dân cư tập trung. Đến nay, xã Dang đã hoàn thành di dời 6 làng về nơi ở mới.
Về làng mới, người dân K’Xêêng có điện, đường, trường học, trạm y tế cách làng 500 m. "Làng gần trung tâm xã, đường giao thông nên thuận tiện so với làng cũ. Ai ốm đau không còn phải gánh băng rừng đi cấp cứu, chỉ việc cho lên xe máy chở đi nhanh chóng", trưởng thôn Niên chia sẻ.
Già làng K’Xêêng, ông Bling Sóc, cho biết trải qua nhiều đợt mưa lớn kéo dài, nhưng không ngôi nhà nào ở làng mới bị sạt lở, lũ quét tràn qua. "Nếu ở làng cũ chắc trận mưa lũ hồi tháng 9-10/2020 đã cuốn trôi hết", ông nói.
Là người người lập và triển khai kế hoạch bố trí dân cư tập trung, ông Bríu Liếc, nguyên Bí thư huyện Tây Giang, kể năm 2003 huyện được tái lập, với năm không: Không đường, không điện, không trường, không trạm và không nhà làm việc. Đời sống của người dân thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo gần 85%.
Truyền thống người Cơ Tu sống du canh, du cư. Nhà cửa phân tán ở đồi núi, triền sông suối nên tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở uy hiếp đến tính mạng, tài sản. Chính quyền huyện đưa ra quan điểm "an cư mới lạc nghiệp" để dân có nơi ở ổn định, tập trung phát triển kinh tế, hạn chế những thiệt hại do thiên tai.
Tây Giang tiên phong thực hiện bố trí dân cư tập trung, dù tỉnh Quảng Nam chưa có chủ trương. Tại một số diễn đàn, hội nghị, một số lãnh đạo tỉnh phản đối, cho rằng Tây Giang là vùng rừng núi, không được đụng đến rừng, đất rừng. Họ chỉ ra chọn những ngọn đồi bát úp và san ủi phần trên để lập làng là không đúng. Tuy nhiên, tỉnh không có văn bản chỉ đạo nên Tây Giang tự quyết mọi việc.
Trước khi san ủi mặt bằng, chính quyền họp dân, xin ý kiến các già làng, người có kinh nghiệm. Họ chọn những đồi núi có độ dốc ít, hình bát úp, không sạt lở, không xảy ra lũ quét, tránh được thiên tai. Tháng 4/2006, Tây Giang chọn thôn Pơr’ning, xã Lăng - thôn đầu tiên san ủi mặt bằng, sắp xếp lại dân cư tập trung.
"Chúng tôi vừa làm, vừa rút kinh nghiệm cho các thôn tiếp theo", ông Liếc nói và cho hay sau 15 năm, Tây Giang cơ bản hoàn thành bố trí 115 điểm dân cư với 63 thôn làng. Huyện đã san ủi tạo mặt bằng 370 ha, bố trí nơi ở ổn định cho 4.690 hộ với 19.000 nhân khẩu, tỷ lệ hơn 90% dân số; kinh phí 500 tỷ đồng.
Ông Liếc đánh giá nếu huyện không quyết liệt di dời thì chắc chắn số dân ở Tây Giang thiệt mạng trong các đợt mưa lũ tháng 9-10/2020 sẽ nhiều nhất Quảng Nam. Mưa lũ đi qua, 113 điểm dân cư tập trung đứng vững, chỉ 2 điểm sạt lở nhẹ.
Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch huyện Tây Giang, cho biết thiên tai 2020 địa phương hứng chịu nhiều đợt lũ quét gây hư hỏng đường sá, kênh mương thủy lợi, ruộng nương. Tổng thiệt hại trên 400 tỷ đồng, nhưng rất may không có người chết. Các khu dân cư không bị sạt lở, vì nằm trên đồi bát úp, xa sông suối và không có taluy dương cao, độ dốc ít. Khi đưa dân về tập trung, chính quyền cũng dễ quản lý và giảm được chi phí dầu tư hạ tầng.
Với một số khu dân cư có nguy cơ sạt lở, ông Lượm cho biết tới đây sẽ vận động sắp xếp lại, chỉ bố trí nhà dân ở nền đất cứng.
Tháng 9-10/2020, Quảng Nam hứng chịu nhiều đợt mưa bão liên tiếp làm 43 người chết; 17 người mất tích; 350 người bị thương và 650 ngôi nhà sập hoàn toàn. Trong đó huyện miền núi Nam Trà My xảy ra bốn vụ sạt lở khiến 19 người chết, 13 người mất tích và gần 100 ngôi nhà vùi lấp; huyện Phước Sơn 9 người chết, 4 người mất tích và 270 ngôi sập hoàn toàn. Thiên tai gây thiệt hại cho Quảng Nam hơn 11.000 tỷ đồng.