Mỗi lần họp mặt, các cựu thành viên đội săn bắt cướp (SBC) còn sống vẫn nhắc lại cái ngày đầu tiên xuất trận, khi mà bí thư Đoàn Công an TP HCM Trần Cường phát lời kêu gọi. Hào khí ngất trời. SBC chạm trán với tội phạm vũ trang ngay trên đường phố, tiêu diệt những băng cướp khủng khiếp nhất nhưng mất mát, thương tật cũng nhiều, có trinh sát còn bị bắn chết ngay trước trụ sở công an TP HCM.
Tôi từng trực tiếp chứng kiến cảnh thuyết phục của lực lượng SBC và băng cướp Lẹ Què bên bờ sông Thủ Thiêm.
Lẹ Què cầm AK chọc thủng vòng vây, cố thủ trong lùm dừa nước, ngay khu bến thuyền, nguy hiểm cho người dân, nhưng nếu SBC tiếp cận có nguy cơ bị bắn chết.
Anh Dương Minh Ngọc - một thành viên đội - thuyết phục Lẹ Què buông súng đầu hàng, tên này ra điều kiện anh Ngọc phải đấu súng với hắn và chỉ được bắn một viên, nếu trúng đạn y sẽ đầu hàng còn không sẽ xả súng giết chết anh.
Dương Minh Ngọc một mình một súng ngắn lội xuống bãi sình và chỉ với một viên đạn duy nhất đã bắn xuyên thủng 2 má của Lẹ Què. Tên này không bắn càn mà buông súng như đã cam kết.
Người dân và chính quyền địa phương hai bên bờ sông Sài Gòn vui mừng giết heo làm gà ăn mừng vì băng cướp nguy hiểm đã bị SBC triệt phá.
Anh Dương Minh Ngọc và những cựu SBC mà tôi tiếp xúc đều nói rằng, cho dù mang tên gọi gì khác nhưng sự tái lập “quả đấm thép” SBC là ước nguyện của các SBC năm xưa trước khi nhắm mắt xuôi tay vì tuổi già. Khi nằm trên giường bệnh anh Võ Tấn Thành, người đội trưởng SBC đầu tiên vẫn nhắc ước nguyện thấy lại hình ảnh oai hùng, cứu khốn phò nguy của lực lượng SBC trên đường phố.
Đội Săn bắt cướp được thành lập từ những ngày đầu sau khi đất nước thống nhất 1975. Chức năng của lực lượng ấy, là đấu tranh, triệt phá các loại tội phạm nguy hiểm, băng nhóm “xã hội đen” có vũ trang, tội phạm giết người, cướp của, bắt cóc...
SBC được trao cho nhiều quyền hạn về sử dụng các loại vũ khí, biện pháp nghiệp vụ để trấn áp tội phạm. Thời điểm đó, cán bộ SBC không quá 30 tuổi, được phép chạy xe máy hết tốc độ, được chạy vào đường cấm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, gặp đối tượng truy nã không đầu hàng được phép bắn hạ sau khi đã bắn cảnh cáo hai phát. Họ đã lập nhiều chiến công quan trọng, triệt phá những băng cướp khét tiếng, giữ gìn bình yên cho thành phố.
Tuy nhiên, sau đó, khi xã hội đi vào ổn định, SBC được cho dừng hoạt động. Chính các cựu thành viên của SBC cũng thừa nhận rằng pháp luật nay đã hoàn thiện, người thi hành công vụ phải hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật - và phương thức xưa của SBC không còn phù hợp.
Ý tưởng tái lập đội SBC được khởi xướng từ giữa năm 2016 bởi bí thư Thành ủy Đinh La Thăng. Và mong ước của anh Thành, anh Ngọc đã trở thành hiện thực vào sáng hôm qua, ngày 25/1, khi “lực lượng Cảnh sát hình sự đặc nhiệm phía Nam” chính thức đi vào hoạt động.
Có gì giống và khác giữa SBC xưa và lực lượng “Cú đấm thép” của năm 2017 này? Đó vẫn là những cá nhân tinh túy được tuyển chọn. Họ được đào tạo rất kỹ về lái xe, võ thuật, bắn súng. Nhưng tất nhiên, “SBC phiên bản 2017” sẽ được trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại. Các chiến sĩ còn được đào tạo cả ngoại ngữ để đáp ứng với tình hình hiện tại.
Về mặt quyền hạn, khác với năm xưa, Đội được ưu tiên trong một vài trường hợp phát sinh nhưng vẫn phải hoạt động trong quy định của pháp luật.
Màn thách bắn súng tôi chứng kiến năm nào, giữa đại ca Lẹ Què và anh Ngọc, có lẽ là tiêu biểu cho tinh thần và phương thức của SBC ngày ấy. Họ hiện ra như những anh hùng trượng nghĩa, vượt qua các quy tắc thông thường để trừ gian diệt bạo. Cần phải làm vậy, khi mà Sài Gòn những năm sau giải phóng cứ 40 phút lại có một vụ cướp, hàng chục người dân vô tội bị bắn chết mỗi năm.
Giờ thì không dùng cách thức ấy trong một xã hội pháp quyền được nữa. Các chiến sĩ đặc nhiệm năm 2017 sẽ phải khôn khéo hơn, tỉnh táo hơn, để vừa đấu tranh với tội phạm, vừa đảm bảo được quyền công dân.
Nhưng sự tái lập của một “Quả đấm thép” chắc chắn là điều mà người dân đang chờ đợi. Tình hình an ninh trật tự của thành phố đang khiến cho từ người dân đến lãnh đạo, đều không yên lòng.
Mục đích của một “Quả đấm thép”, nói như Bí thư thành ủy, là để “tội phạm hình sự vẫn chưa nhận được những đòn nhớ đời, phải trả giá ngay tức khắc... từ lực lượng chống lại chúng”.
Giống với SBC năm xưa, họ không chỉ là những người trực tiếp hành động. Những chiến sĩ tinh anh ấy còn được trông chờ sẽ đóng vai trò những biểu tượng, để tội phạm nghe đến là kinh hồn bạt vía. Và để chúng biết rằng, thành phố này có những người bảo vệ.
Liệu năm 2017 này, có phải là năm đầu tiên, mà người dân TP HCM, tập lại cách nghe điện thoại hay chụp hình trên hè phố - điều họ không còn dám từ lâu?
Hoàng Linh