Vào thế kỷ 14 khi cỗ máy cơ học chỉ giờ lần đầu tiên ra đời đã nhận được sự yêu thích của công chúng, song điểm hạn chế là không thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác được.
Từ thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 17, với sự ra đời của lò xo cân bằng, đồng hồ để bàn bắt đầu được nhân rộng tại châu Âu với khẩu hiệu “Hãy mang theo thời gian với bạn”. Tuy nhiên, đồ vật này vẫn khá bất tiện trong di chuyển và rất hạn chế cho người sưu tầm.
Cuối thế kỷ 18, chiếc đồng hồ để bàn đầu tiên có thể di chuyển thoải mái ra đời tại nước Pháp với tên gọi đồng hồ Carriage Clock hay “đồng hồ sĩ quan”. Tên gọi này gắn với giai thoại kể rằng Hoàng đế Napoleon đã suýt thua trận do các sĩ quan của ngài tới trễ.
Quá tức giận ông ra lệnh các vị lãnh đạo quân sự bắt buộc phải mang theo một chiếc đồng hồ tới mọi lúc mọi nơi. Các nghệ nhân giỏi được tập hợp để sản xuất những chiếc Carriage Clock cho quân đội và luôn được nhắc nhở rằng đây là một chiếc đồng hồ dành cho sĩ quan, phải rất chính xác và phải mang đi được trong suốt các cuộc chinh phạt.
Nước Pháp khi đó có 3 nghệ nhân nổi tiếng ở lĩnh vực này là Abraham Louis Breguet, Frederic Japy và Auguste L’Epee. Trong khi Breguet và Frederic Japy về sau phát triển mở rộng sang đồng hồ đeo tay thì L’Epee chỉ tập trung sản xuất đồng hồ để bàn và xuất khẩu linh kiện đồng hồ để bàn cho các thương hiệu khác.
Giai đoạn cuối thế kỷ 19 là cột mốc lịch sử đưa trào lưu sưu tầm đồng hồ báo thức, đồng hồ để bàn lớn mạnh khi món đồ được đưa vào tận phòng khách, bàn làm việc của những gia đình quý tộc.
Thời kỳ hoàng kim là những năm 1889, khi xưởng L’Epee Manufacture mỗi năm xuất đi khoảng 200.000 nền tảng cơ cấu hồi - linh kiện chính giúp đồng hồ để bàn có thể mang đi xa được, một con số mơ ước của nhiều nhà sản xuất thời hiện đại.
Đồng hồ để bàn Carriage Clock phát triển thịnh vượng tại Pháp và lan tới Đức rồi sau đó là Anh. Tên tuổi L’Epee khi đó trở thành một biểu tượng trong lĩnh vực này. L’Epee bắt đầu đăng ký bản quyền sáng chế cho các phát minh, nổi tiếng nhất phải kể đến hệ thống chống va chạm, hệ thống tự động khởi động và hệ thống “constant-force escapement” cho đồng hồ để bàn.
L’Epee liên tục đạt giải vàng danh giá tại các hội chợ quốc tế, tại Paris (Pháp) năm 1889 và 1900; tại Vienne (Áo) năm 1892; tại Hà Nội năm 1902 và sau đó là Mỹ rồi Anh.
Năm 1994, L’Epee vượt qua mọi giới hạn trong ngành sản xuất đồng hồ khi chế tạo chiếc đồng hồ lớn nhất thế giới với con lắc bù - The Giant Regulator, với chiều cao 2,2m và nặng 1,2 tấn và cần đến 2.800 giờ để hoàn thành.
Trong suốt thế kỷ 20, đồng hồ L’Epee là niềm tự hào của nước Pháp và luôn được chọn là món quà để chính phủ dành tặng cho quan khách. Vào năm 1976, khi những chiếc máy bay siêu thanh Concorde được đưa vào sử dụng cho mục đích dân sự, những chiếc đồng hồ treo tường L’Epée đã được chọn để trang bị trong các cabin.
Đến nay, sau 175 năm tuổi và kinh nghiệm, L’Epee là tên tuổi cuối cùng còn trụ lại tiếp tục chế tác những cỗ đồng hồ để bàn ở phân khúc siêu phức tạp. Các thiết kế của L’Epee gồm 3 bộ sưu tập chính: dòng Carriage nối dõi những di sản vàng son của thế kỷ 18, dòng Contemporary khai thác các tính năng siêu phức tạp theo thiết kế đương đại và dòng Creative Art hợp tác với các nghệ sĩ với nhiều chi tiết phức tạp.
Hiện trụ sở của L’Epée được đặt tại Delemont, vùng núi Jura, Thụy Sĩ và vẫn tiếp tục trung thành với những chiếc đồng hồ để bàn. Dưới sự chỉ đạo của Giám đốc điều hành - Arnaud Nicolas, L’Epée 1839 không ngần ngại khai thác các tính năng siêu phức tạp như kim giây đảo ngược (retrograde seconds); chức năng hiển thị năng lượng dự trữ mang hình dáng của logo chuyển động, lịch vạn niên, tourbillon và điểm chuông. Đây là điều mà hãng khiến giới chế tác luôn khâm phục.
Trải qua gần 2 thế kỷ phát triển, L’Epee hiểu thách thức của cuộc sống hiện đại, rằng đồng hồ để bàn đôi khi bị giới trẻ coi là đồ cổ, khó cảm nhận hơn so với đồng hồ đeo tay và siêu xe. Thay vì ngủ quên trong lối mòn kinh nghiệm, L’Epee sẵn sàng bắt tay với các nghệ sĩ cùng những ý tưởng sáng tạo điên rồ để chinh phục giới sưu tầm thê hệ mới.
Những năm gần đây, khi nhắc đến những chiếc đồng hồ để bàn độc đáo và "ngầu nhất" cho các căn penthouse hiện đại, L’Epee và MB&F thống thị lĩnh vực này với bộ sưu tập Creative Art.
Bộ đồng hồ lấy cảm hứng từ loài nhện khổng lồ. Hàng loạt các blogger đương đại như Watchanish hay Hodinkee đều dành những lời thán phục cho sự dám chuyển mình này của L’Epee.
Dòng Creative Art đánh dấu vị trí người dẫn đầu của L'Epee một lần nữa trong lĩnh vực đồng hồ để bàn, truyền cảm hứng sáng tạo cho toàn bộ ngành đồng hồ rằng hãy tạo ra những đột phá, hãy bỏ qua những lối mòn và hãy thay đổi để trở thành người dẫn đầu.
Từ ngày 15/5, bộ sưu tập Carriage cổ điển và chiếc đồng hồ nhện đương đại của L’Epee sẽ được trưng bày tại S&SKnightsbridge, khách sạn Sofitel Metropole, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thanh Thư