Ngày 22/12, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng bọn về hành vi chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của các tổ chức cá nhân tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo thuộc nhóm tội Cho vay lãi nặng.
Trình bày với HĐXX, bị cáo Nguyễn Thiên Lý (bị kết án 2 năm tù về tội Cho vay lãi nặng) lúc kêu oan lúc xin giảm nhẹ hình phạt. Bà cũng đề nghị HĐXX xem xét lại số liệu về các khoản tiền cho Như vay cũng như thu lợi bất chính vì cho rằng cấp sơ thẩm tuyên chưa chính xác.

Huyền Như khai nhận đã vay số tiền hàng trăm tỷ đồng của nhiều người với lãi suất cao gấp hơn 10 lần mức trần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố. Ảnh: Hải Duyên.
Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 12/2009 đến tháng 9/2011, Lý đã cho Như vay hơn 554 tỷ đồng và 340.000 USD với mức lãi suất 0,4-3,7%/ngày. Lý đã nhận tổng số tiền cả gốc và lãi là hơn 1.296 tỷ đồng. Trong đó, hơn 672 tỷ đồng cả hai đã xác nhận được cụ thể từng khoản, bao gồm hơn 255 tỷ đồng gốc và hơn 417 tỷ đồng tiền lãi. Số tiền hơn 633 tỷ đồng còn lại, hai bên chưa giải trình được bao nhiêu gốc và bao nhiêu lãi. Hiện Như còn nợ Lý 216 tỷ đồng và 340.000 USD. Căn cứ mức lãi suất mà Lý cho Như vay, cơ quan chức năng xác định bị cáo này đã thu lợi bất chính 735 tỷ đồng.
Tại tòa, Lý cho rằng con số mà cơ quan chức năng tính toán là chưa chính xác vì trước đó còn nhiều khoản vay đưa cho Như bằng tiền mặt và được ghi vào sổ tay cá nhân nhưng cơ quan chức năng chưa tính vào.
Được gọi lên đối chất ngay tại tòa, Như khẳng định, các con số đã làm việc với cơ quan chức năng là chính xác. “Có những khoản vay từ bị cáo Lý bằng tiền mặt không có giấy tờ chứng minh không được cơ quan chức năng đưa vào. Nhưng cũng có những khoản lãi suất bị cáo trả cho Lý bằng tiền mặt cũng không được tính vào”, Như khai và cho biết những con số mà cơ quan chức năng tính toán chủ yếu dựa vào sổ tay ghi chép của Lý và đã đối chất khớp mới đưa vào.
Tòa mất khá nhiều thời gian cho việc xét hỏi xoay quanh khoản tiền cho vay và lãi suất của bị cáo Lý và Như, tuy nhiên vẫn chưa chốt được con số cuối cùng. Vì vậy, HĐXX yêu cầu Lý xem xét lại để chuẩn bị tinh thần cho phần xét hỏi của tòa vào buổi chiều.
Trước đó, ở phần mở đầu buổi làm việc hôm nay, HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo còn lại trong nhóm cán bộ Ngân hàng Vietinbank gồm: Lương Thị Việt Yên (nguyên Trưởng phòng giao dịch Võ Văn Tần), Hồ Hải Sỹ, Lê Thị Ngọc lợi về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo đều thừa nhận do tin tưởng vào sự chỉ đạo của cấp trên, mở tài khoản cho khách hàng không đúng quy trình nên xin xem xét được giảm nhẹ hình phạt.
Bản án xác định, đầu năm 2007, Như đã vay khoản tiền 200 tỷ đồng với lãi suất cao để đầu tư kinh doanh bất động sản. Do việc làm ăn thua lỗ, để có tiền trả nợ Như lợi dụng quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Ngân hàng Vietinbank, lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của 9 công ty, 3 cá nhân, 3 ngân hàng. Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, để che giấu Như tiếp tục vay số tiền lớn với lãi suất cao của người này trả cho người khác dẫn đến ngày càng lún sâu vào vòng xoáy tín dụng đen. Đến tháng 9/2011 sự việc bị phát hiện.
Trả lời HĐXX trong buổi thẩm vấn chiều nay, Lý cho biết số tiền khổng lồ mà Như chuyển vào tài khoản của mình trước ngày 18/8/2009 là tiền đầu tư làm ăn chứ không phải cho vay nặng lãi. Do việc đầu tư làm ăn với Như không thuận lợi nên quyết định rút vốn về. Tuy nhiên, khi toà hỏi có tài liệu nào chứng minh là tiền đầu tư thì bị cáo nói "không có".
Được mời lên xác minh, Như khẳng định toàn bộ số tiền chuyển qua lại trong tài khoản đều là tiền vay của Lý. Sau quen bà này thông qua một nhân viên môi giới chứng khoán, Lý chủ động đến ngân hàng tìm Như để cho vay và thỏa thuận lãi suất.
Liên quan đến những khoản tiền mặt đưa cho Như mà Lý cho rằng đã được thể hiện chi tiết trong sổ tay nhưng chưa được cơ quan chức năng tính toán, HĐXX cho biết, đa phần cuốn sổ của Lý đều ghi bằng ký hiệu, mật mã hoặc tiếng Anh “như muốn che giấu điều gì mờ ám” thay vì ghi cụ thể ngày giờ, số lượng gốc lãi… nên khiến cơ quan tố tụng cũng không “giải mã” được.
HĐXX dành cả phiên làm việc buổi chiều để làm rõ các con số mà bị cáo Lý khiếu nại rằng chưa chính xác. Tuy nhiên, đến cuối ngày chủ tọa cho biết, HĐXX sẽ tính toán các khoản và cho ra con số cụ thể và đảm bảo “sai số” sẽ không vượt quá 100 triệu đồng cho bị cáo Lý.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục làm việc. Theo dự kiến, HĐXX sẽ dành thời gian để xét hỏi một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến tài sản bị kê biên của các bị cáo.
Hải Duyên