Sáng 13/1, phiên xét xử vụ lừa đảo chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng, do Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn thực hiện được tiếp tục với phần tranh luận.
Phát biểu quan điểm tại tòa, đại diện VKS khẳng định, cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố Huỳnh Thị Huyền Như và 22 bị cáo khác là đúng người, đúng tội. Bị cáo Như đã liều lĩnh thực hiện hàng loạt hành vi như làm giả 8 con dấu của các đơn vị sự nghiệp, giả chữ ký và lừa luôn lãnh đạo Vietinbank để che giấu mức lãi suất ngoài hợp đồng với các đơn vị, cá nhân. Cùng với sự giúp đỡ của Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè), lợi dụng sự sơ hở của cán bộ Vietinbank, Như đã chiếm đoạt số tiền lên đến 4.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân.
Về việc các Ngân hàng ACB và Navibank không chấp nhận tư cách tham gia phiên tòa là nguyên đơn dân sự (mà là người có quyền và nghĩa vụ liên quan) và cho rằng, Vietinbank phải chịu trách nhiệm hoàn trả toàn bộ số tiền mà Như đã chiếm đoạt của các ngân hàng này, VKS cho rằng, "không thể chấp nhận" bởi quá trình điều tra và tại tòa Như đều thừa nhận chiếm tiền là nhằm mục đích cá nhân.
VKS cũng cho rằng, ngoài việc Như sử dụng hàng loạt thủ đoạn gian dối, thì những ngân hàng này cũng biết Như lấy danh nghĩa Vietinbank huy động tiền với mức lãi suất vượt trần là không thể thực hiện, nhưng vì lòng tham vẫn để cho các nhân viên của mình đứng tên trên các khoản tiền gửi. Hơn nữa, mọi giao dịch giữa các ngân hàng này với Vietinbank đều thông qua các nhân viên của mình với bị cáo Như và thực hiện ở bên ngoài mà không đến ngân hàng là nằm ngoài phạm vi quản lý… Đây là những điều kiện thuận lợi để bị cáo Như và đồng phạm chiếm đoạt số tiền hơn 718 tỷ đồng của ACB và 200 tỷ đồng của Navibank.
Liên quan đến vấn đề này, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố vụ án và những lãnh đạo cao nhất của ngân hàng này, trong đó có Nguyễn Đức Kiên trong vụ án khác. Vì vậy, việc xác định tư cách của ACB và Navibank là nguyên đơn trong vụ án là hoàn toàn chính xác, phù hợp với quy định của pháp luật.
Cũng với ý thức chiếm đoạt ngay từ đầu, Như đã thuê người làm giả các con dấu và ký giả chữ ký của các lãnh đạo các công ty khác để chiếm đoạt của công ty Phương Đông, công ty An Lộc hơn 500 tỷ đồng, chiếm đoạt của 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên số tiền hơn 1.600 tỷ đồng và của một số công ty, cá nhân khác. Theo đại diện VKS, đại diện của Vietinbank không gặp gỡ đại diện của những công ty này. Mọi giao dịch đều diễn ra ngoài phạm vi ngân hàng nên việc yêu cầu Vietinbank phải trả khoản nợ này là hoàn toàn không có cơ sở.
“Như đã thừa nhận vì muốn chiếm doạt số tiền của các tổ chức cá nhân trên, đánh vào lòng tham của những người này mà Như đã đưa ra mức lãi suất hấp dẫn sau đó làm giả các hồ sơ giây tờ để chiếm đoạt. Chính những sơ hở, mất cảnh giác của các cá nhân đơn vị trên nên Như dễ dàng chiếm đoạt. Tại tòa, Như cũng thừa nhận bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nhằm hướng tới lừa đảo của các tổ chức, cá nhân nên không có cơ sở buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm”, đại diện VKS nhận định.
Từ đó, VKS cho rằng, việc truy tố Như về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức là đúng người, đúng tội.
Từ những nhận định trên, vị đại diện VKS đề nghị, HĐXX tuyên phạt Huyền Như mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 5-7 năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Theo đại diện VKSND, từ năm 2007, Như đã vay nợ với lãi suất cao của nhiều cá nhân đơn vị để đầu tư kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Do việc làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ chồng nợ, lãi chồng lãi. Để có tiền trả nợ và thỏa mãn tiêu xài cá nhân, Như đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của các đơn vị, cá nhân.
Dù Như phạm tội khi đang mang thai và đang nuôi con nhỏ nhưng theo VKS, hành vi phạm tội là đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị cáo chiếm đoạt là đặc biệt lớn nên cần thiết áp dụng mức án chung thân.
Đối với Võ Anh Tuấn đã cùng Như góp vốn trong Công ty Hoàng Khải, mặc dù Vietinbank Nhà Bè không hề huy động vốn của Công ty Thái Bình Dương nhưng vẫn ký vào các hợp đồng để cho Như dùng đi lừa chiếm đoạt. Ngoài ra, Tuấn còn ra Hà Nội cùng Như đàm phán để huy động số tiền của 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên... Tại tòa, Tuấn không thừa nhận giúp Như chiếm đoạt số tiền này nhưng căn cứ vào lời khai của các cá nhân liên quan, có đủ cơ sở xác minh hành vi giúp sức của Tuấn và nhận của Như 10 tỷ đồng tiền chi phí.
Với vai trò giúp sức đắc lực cho Như, Võ Anh Tuấn cũng bị đề nghị mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị truy tố về cùng tội danh, 4 bị cáo khác bị đề nghị phải chịu từ 10 đến 19 năm tù.
13 cán bộ của ngân hàng Vietinbank, VIB phải nhận mức án từ 4 đến 20 năm tù về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng hoặc Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Thị Lành, Đào Thị Tuyết Dung, Hùng Mỹ Phương, Phạm Văn Chí bị đề nghị từ 9 tháng tù đến 3 năm 6 tháng về tội Cho vay nặng lãi. Riêng bị cáo Lý, tổng hợp với bản án trước đó 4 năm tù về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Ngoài việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo trong vụ án này, vị đại diện VKS đã kiến nghị cần phải xác minh và điều tra nhằm khởi tố bổ sung hơn 10 cá nhân khác về hành vi giúp sức cho Huyền Như đứng tên trong các hợp đồng vay vốn giả với ngân hàng VIB.
Liên quan đến việc để cho Như giả chữ ký thực hiện các hợp đồng tiền gửi với ngân hàng ACB, đại diện VKS đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trương Minh Hoàng (hai Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP HCM) về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, VKS kiến nghị với Thống đốc ngân hàng Nhà nước kiểm điểm toàn bộ lãnh đạo của Vietinbank.
Đại diện VKS cũng cho rằng, cần phải xem xét trách nhiệm hình sự đối với Vũ Hồng Hạnh (Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông) về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản ký kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bốn ngân hàng khác là Navibank, ACB, Tiên Phong Bank và Maritime Bank cũng bị đề nghị xem xét xử lý thêm một số người có liên quan.
Toàn bộ tiền thu lợi bất chính trị giá hàng nghìn tỷ đồng của các bị cáo cũng như một số người đóng vai trò môi giới không bị truy tố trong vụ án cũng bị VKS kiến nghị tịch thu đảm bảo cho việc thi hành án và sung quỹ Nhà nước.
Hải Duyên