Hồng xin hủy phòng và lấy lại toàn bộ 22 triệu đồng đã thanh toán cho hai đêm ăn, nghỉ bởi đang trong thời gian cách ly tại nhà 14 ngày.
Cô cố giải thích với đại diện khách sạn rằng cô là "F2" đang chấp hành "yêu cầu y tế của cơ quan chức năng có thẩm quyền" nên không đi du lịch. Đây là trường hợp bất khả kháng.
Hồng viện dẫn điểm d khoản 1 điều 294 Luật Thương mại năm 2005 về "sự kiện bất khả kháng" nhưng khách sạn không đồng ý trả lại tiền. Họ nói đã thiệt hại nhiều trong đợt dịch này.
Covid-19 cũng khiến Thanh Tâm, chủ cửa hàng ăn uống tại Hà Nội phải đóng cửa, trả mặt bằng vì không biết khi nào dịch kết thúc. Tiền thuê mặt bằng mỗi tháng 20 triệu đồng, thanh toán nửa năm một và đóng từ đầu kỳ, thêm một tháng tiền đặt cọc nữa. Tâm muốn đàm phán với chủ nhà về việc lấy lại tiền 3 tháng tới chưa sử dụng mặt bằng trong tình hình kinh doanh khó khăn này.
Đến 20/3, cả nước ghi nhận 85 ca nhiễm Covid-19, trong đó 17 ca đã chữa khỏi. Tình hình dịch bệnh không thể lường trước, hôm 18/3 Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung khuyến cáo người dân "nếu không có việc quá quan trọng thì nên ở nhà càng nhiều càng tốt để tránh dịch bệnh, đang bước vào giai đoạn đầy thử thách và nguy cơ ẩn chứa ở nơi công cộng rất cao".
Theo luật sư Quách Thành Lực, Covid-19 là sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên để Tâm có thể chứng minh sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng trực tiếp đến mình, dẫn tới việc không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng, từ đó nhận lại tiền đặt cọc là "hết sức khó khăn".
Theo khoản 2 điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015, sự kiện bất khả kháng là "sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép".
Tâm cần chứng minh đã "áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép" có thể tiếp tục kinh doanh nhưng không hiệu quả mới có cơ sở áp dụng "sự kiện bất khả kháng" để nêu yêu cầu với chủ nhà.
Tuy nhiên, ngay cả khi chứng minh được như trên nhưng chủ nhà không đồng ý, Tâm cũng không thể nhận được tiền nhà đã đóng. Trường hợp này phải khởi kiện ra tòa.
Với giá trị tiền thuê nhà nêu trên, căn cứ pháp lý hiện tại và thực tế tố tụng hiện nay thì phương án đàm phán với chủ nhà là cách làm có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.
Với trường hợp của Hồng, cô đang chấp hành một yêu cầu y tế của cơ quan chức năng có thẩm quyền nên có thể xác định việc không đi du lịch được thuộc trường hợp bất khả kháng. Nếu đề nghị hoàn tiền không được chấp nhận, Hồng có thể khởi kiện ra toà thành phố Nha Trang để được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Lan Hương