Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đây là mức huy động vốn cao nhất từ đầu năm. Tuy nhiên, chỉ có 37 doanh nghiệp tổ chức được phát hành thành công 172 đợt và huy động 38.400 tỷ đồng.
Các công ty bất động sản tiếp tục dẫn đầu về tỷ trọng vốn huy động qua kênh trái phiếu với hơn 30%, tiếp đến là các tổ chức tín dụng, dịch vụ, sản xuất và chứng khoán. Kỳ hạn bình quân của các gói trái phiếu là 3,97 năm.
Lý giải về nguyên nhân giá trị đăng ký tăng vọt, chuyên gia của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng doanh nghiệp phải chạy nước rút trước khi Nghị định mới về phát hành trái phiếu với những ràng buộc chặt chẽ hơn có hiệu lực từ ngày 1/9. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội khiến nhu cầu vốn cũng tăng lên.
Luỹ kế 8 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã đăng ký phát hành hơn 2.000 đợt trái phiếu với số vốn dự kiến huy động trên 435.000 tỷ đồng. Kết quả có 174 doanh nghiệp phát hành thành công và huy động gần 238.000 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp giai đoạn cuối năm được dự báo không tăng nóng như những tháng đầu năm. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm và khó tăng lại trong ngắn hạn là động lực cho lượng tiền nhàn rỗi tìm đến các kênh đầu tư khác, trong đó trái phiếu trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu nên thị trường thứ cấp vẫn sôi động.
Phương Đông