Trước toà, bị cáo Nguyễn Thị Lâm và Huỳnh Văn Nén khẳng định vì bị điều tra viên bức cung, nhục hình nên đã nhận tội theo ý của cán bộ điều tra. Hai người đều chờ ngày ra toà phúc thẩm để kêu oan và nói lên sự thật. Nén còn nêu đích danh từng cán bộ điều tra đã đánh đập mình. Ngoài ra các bị cáo cũng đưa ra những chứng cứ ngoại phạm, khác với những gì cáo trạng đã nêu...
Sau phần thẩm vấn các bị cáo và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đại diện VKS, ông Võ Văn Thêm, giữ quyền công tố tại toà nêu rõ những khuyết điểm dẫn đến vi phạm trong quá trình điều tra xét xử án sơ thẩm. Theo đó, Nén nhiều lần khẳng định khi xảy ra việc bà Dương Thị Mỹ bị giết, bị cáo đang làm mướn cho gia đình ông Chín Chè ở Đồng Nai, nhưng cơ quan điều tra đã không xác minh được điều này.
Luật sư Phạm Thị Kim Anh, người bào chữa cho các bị cáo, nói: "Đêm 28 âm lịch, tại một vườn điều sum suê như cáo trạng miêu tả, chỉ cách có 4 mét mà Nén có thể miêu tả được chi tiết áo quần, trang sức hành vi thủ ác của từng người. Điều này là phi lý hết sức, vậy mà cơ quan điều tra vẫn chấp nhận và kết cung". Về việc này đại diện VKS phát biểu: "Lời khai của Nén đã không được thực nghiệm điều tra xem xet lại. Đây là thiếu sót lớn trong quá trình tố tụng".
Theo biên bản khám nghiệm, "tử thi thối rữa, mặt đầy nhọng bọ, hở hai hàm răng không còn khả năng nhận dạng". Điều này phù hợp với các tấm ảnh trong hồ sơ, theo đó trên thi thể Dương Thị Mỹ có hàng nghìn con giòi to như đầu cây nhang. Song theo tài liệu điều tra, tính từ thời gian xảy ra vụ án cho đến khi khám nghiệm tử thi lại chỉ là 56 giờ. Trong điều kiện môi trường bình thường có đủ để phân huỷ một xác chết như vậy? Điều này vẫn chưa được cơ quan nào xác minh.
Cũng tại phiên tòa, luật sư Kim Anh đã đưa ra chứng cứ xâm phạm hoạt động tư pháp của Cơ quan Điều tra tỉnh Bình Thuận khi họ đưa bút lục số 328 đi giám định chữ viết của bị cáo Nguyễn Thị Lâm, trong khi bút lục này theo quy định phải được bảo mật tại TAND Tối cao tại TP HCM.
Toàn bộ hồ sơ đã được giao về Cơ quan Cảnh sát điều tra Bình Thuận để xác minh lại từ đầu. Nhưng vườn điều nhà ông Hai Hoàng, hiện trường vụ án, đã bị xoá sạch hoàn toàn và trở thành khu nhà ở.
(Theo Thanh Niên, Lao Động)
Theo dòng sự kiện:
Hoãn phiên xử phúc thẩm lần 2 vụ án vườn điều (27/2)
Mở lại phiên phúc thẩm vụ án vườn điều ở Bình Thuận (23/2)
Vụ án vườn điều - bất ngờ từ phiên phúc thẩm (26/6/2001)
Hoãn xét xử vụ 7 người trong một gia đình lâm cảnh tù tội (15/6/2001)
Lời khai của một kẻ tâm thần đẩy gia đình 7 người vào tù (8/6/2001)
Một gia đình có 7 người rơi vào cảnh tù tội (10/5/2001)