Việc Nguyễn Hữu Thắng trở thành HLV trưởng đội tuyển Việt Nam lúc này là một việc bình thường. Ông đã xa không khí tập luyện và thi đấu sôi nổi đủ lâu để cảm thấy... ngứa nghề. Là một HLV từng vô địch V-League, không có nhiều thử thách lớn khiến ông cảm thấy hào hứng, và chiếc ghế HLV đội tuyển lại là một trong số những thử thách rất ít ấy.
Về phía VFF, đã quyết định chọn HLV nội thì ngoài Hữu Thắng, kỳ thực họ cũng không có nhiều sự lựa chọn. Trước đó, một ứng viên sáng giá khác là Lê Huỳnh Đức đã thẳng thừng từ chối vì cơ đồ của ông ở đội Đà Nẵng đang rất vững vàng. VFF cũng cần một người tạo cảm hứng cho các cầu thủ lẫn người hâm mộ sau khi cuộc hôn phối với Toshiya Mirua kết thúc theo cách không mong muốn. Thành ra VFF và Hữu Thắng đến được với nhau là một điều gì đó gần như... hiển nhiên, khó thể khác được.
Một trong những thông tin đầu tiên đến với người hâm mộ, khởi đầu cho dòng thời sự kết nối người cựu thủ quân đội tuyển với chiếc ghế HLV đội tuyển là Hữu Thắng nhờ luật sư xem xét chuyện hợp đồng. Rõ ràng cách hành xử của VFF với những HLV nội trước đây buộc ông phải cẩn thận. Nó cũng cho thấy Hữu Thắng ý thức rõ quyền và nghĩa vụ của ông trong lần lên tuyển này, nó khác xa cái thời phụng sự thuở còn là cầu thủ, chỉ còn biết vào sân và cháy mết mình. Ông đã sống trong lòng bóng đá Việt Nam đủ lâu để biết mình cần gì để tồn tại, nhất là ở một môi trường nổi tiếng phức tạp như trên tuyển.
Danh chính thì ngôn sẽ thuận. Sau khi VFF trao cho ông toàn quyền chuyên môn, Hữu Thắng lại có một lợi thế khác khi đứng trước cầu thủ: cái uy của một người từng là thủ quân đội tuyển Việt Nam và của một HLV từng lên đỉnh cao V-League. Có thể thấy khi thông tin ông lên tuyển râm ran, các cầu thủ được hỏi về ông đều tỏ ra hào hứng. Những cầu thủ của thế hệ hiện nay sinh ra vào thời điểm mà bóng đá Việt vừa trở lại với đấu trường châu lục. Nếu họ không trực tiếp chứng kiến thì cũng được nghe những đàn anh kể về thời đại vàng son của những ngôi sao thế hệ vàng. Và một trong những thủ lĩnh của thế hệ vàng ấy chính là Hữu Thắng.
Hình ảnh trung vệ số 4 của đội tuyển xông vào những tình huống nóng bỏng nhất, vừa có cái lăn xả quên mình của một dũng tướng lại vừa có cái khôn ngoan quan sát trận địa của một chỉ huy vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người. Cái vẻ ngoài rắn rỏi, mạnh mẽ của Hữu Thắng chinh phục từ đàn ông cho đến phụ nữ.
Sau khi giải nghệ và chuyển sang làm HLV, Hữu Thắng từ lâu đã là một hạt giống tốt. Viễn cảnh lên tuyển của ông đã được vạch ra từ trước. Và chứng kiến thành công của những cựu cầu thủ chuyển sang làm HLV ở trời Âu như Pep Guardiola, Luis Enrqiue, Laurent Blanc hay ngay tại Đông Nam Á này là Kiatisuk Senamuang, khát vọng được thấy một "người nhà" thành công trên tuyển lại càng lớn hơn. Là một cựu tuyển thủ, ông hiểu tâm tư của các tuyển thủ. Ông có sự kính trọng của họ, bước đầu đấy đã là một lợi thế.
Hữu Thắng thuở còn là cầu thủ đã nổi tiếng là một người dũng cảm. Và bây giờ, tính cách ấy đã giúp ông chấp nhận đi một nước cờ mạo hiểm với sự nghiệp và danh tiếng. Bởi chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển từ sau khi hội nhập trở lại với khu vực đã lần lượt thuộc về 11 cái tên quốc nội khác nhau, có người chính thức, có người tạm quyền. Nhưng, nếu họ không để lại ấn tượng gì thì cũng thất bại thê thảm.
Thế nên, chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia - vốn là vinh dự tối thượng của một nhà cầm quân ở đa số các quốc gia trên thế giới - lại là một điều gì đó rất đáng sợ ở Việt Nam. Bao năm qua, bóng đá xứ này vốn không thiếu HLV giỏi, nhưng VFF vẫn mải miết tìm những ông thầy ngoại một phần vì các HLV trong nước đều cảm thấy sợ cái huông của những người tiền nhiệm.
Bây giờ, Hữu Thắng đã dũng cảm nhận trách nhiệm ấy trong bối cảnh mọi thứ vẫn còn đang rất rối ren, đấy là một quyết định cần được khích lệ. Thế nhưng không nói cũng biết những khó khăn nào đang chờ đợi ông. Sau khi Miura rời khỏi ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, một độc giả VnExpress đã hài hước viết trong mục bình luận độc giả như sau: "Yêu cầu đặt ra cho HLV thay thế Miura thực ra rất đơn giản. Chỉ cần vô địch AFF Cup hoặc SEA Games, thắng Thái Lan, đá tấn công phối hợp đập nhả, sử dụng bộ khung của HAGL, biết vâng lời VFF, sử dụng cầu thủ theo yêu cầu người hâm mộ... là được. Cũng không có gì khó khăn mấy".
Khi Miura kết thúc sớm hợp đồng, người ta chờ đợi một động thái thay đổi triệt để của VFF. Chúng ta đã thống nhất rất nhiều lần: đội tuyển quốc gia chỉ là ngọn, V-League và công tác đào tạo trẻ mới là gốc. Nhưng với việc bổ nhiệm Hữu Thắng, một lần nữa người hâm mộ có lý do hoài nghi VFF vẫn đang lợp mái cho một căn nhà vốn đã lung lay từ móng. Còn nếu như VFF xem Hữu Thắng là hạt nhân quan trọng của một quá trình cải tổ triệt để, tại sao hợp đồng ấy chỉ vỏn vẹn có hai năm? Còn quá nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp. VFF muốn đội tuyển đá đẹp, sao lại dùng một HLV có tư duy thực dụng và một lối đá tạm gọi là dữ tợn thời còn thi đấu như Hữu Thắng? Khi lên tuyển, ông sẽ dùng những cầu thủ mà ông vẫn quen thuộc từ xứ Nghệ, hay dựng bộ khung của HAGL như nguyện vọng của người hâm mộ? Quá nhiều những hoài nghi.
Thế nên, sau khi mừng cho Hữu Thắng có được công việc ông mong muốn, khâm phục ông vì chấp nhận làm thuyền trưởng của một con tàu trong giông bão, người ta còn phải chúc "Người Dũng cảm" những gì may mắn nhất.
Hoài Thương