Ảnh: Artfiles. |
Cậu con trai 6 tuổi của Toàn rất hay bị viêm phế quản. Trong đợt bệnh gần đây nhất, cháu ho dồn dập từng cơn không dừng lại được. Thấy con đỏ mặt tía tai, mắt trợn lên, thở gấp, vợ chồng Toàn hoảng hồn mang đến bệnh viện. Sau khi đã qua cơn nguy cấp, anh vào gặp bác sĩ và được biết bé bị viêm phế quản dạng hen. Nhìn điếu thuốc đang cháy trong mấy ngón tay móng vàng khè của Toàn, bác sĩ hỏi: "Cậu hút mỗi ngày mấy bao?". "Dạ hai". "Thảo nào, nó bị thế này là do cậu".
Những khi vợ ngăn hút thuốc, Toàn thường bảo: "Có bị ung thư phổi thì tôi chịu, không phiền đến ai". Vợ bảo khói thuốc có hại cho con, anh cũng cho là nói quá, cho đến khi con trai phải cấp cứu.
Không chỉ Toàn mà vô số ông bố khác vẫn đang từng ngày, từng giờ hủy hoại sức khỏe người nhà, nhất là con trẻ, bằng việc hút thuốc lá. Họ không cai vì cho rằng tác hại của thuốc lá đến rất chậm, và cũng chỉ có hại cho bản thân họ. Thực ra, các nghiên cứu đã chứng minh, việc hít khói thuốc của người khác cũng nguy hiểm không kém tự mình hút.
"Hút thuốc thụ động thậm chí còn nguy hiểm hơn vì chỉ có hít vào mà không thở ra" - bác sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, khẳng định.
Trong 200 chất độc có trong khói thuốc lá, có đến 69 loại gây ung thư. Và tất cả chúng đều xâm nhập cơ thể những người hút thụ động. Khói thuốc có thể tồn tại trong không khí hơn 2 giờ, ngay cả khi không còn nhìn hoặc ngửi thấy nữa. Do đó, những người thường xuyên sống hoặc làm việc cạnh người dùng thuốc lá có thể tiếp nhận lượng khói thuốc tương đương việc hút 5 điếu mỗi ngày.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, cứ mỗi giờ ở cùng phòng với một người hút thuốc lá, nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 100 lần so với việc sống 20 năm trong tòa nhà chứa chất độc asen. Chỉ cần nửa giờ phơi nhiễm khói thuốc, tiểu cầu đã kết dính lại dưới thành mạch máu, hệ miễn dịch đã bị ảnh hưởng. Chính vì vậy mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: Không có ngưỡng an toàn cho việc hút thuốc thụ động.
Những chất độc trong thuốc lá của người khác khiến cho trẻ nhỏ bị hen, viêm đường hô hấp cấp và mãn tính, viêm tai giữa, trẻ sơ sinh có thể đột tử. Nếu phơi nhiễm lâu dài, trẻ cũng có thể chết vì ung thư và các bệnh do thuốc lá khác, hoặc bị vô sinh trong tương lai. Thai phụ hít nhiều khói thuốc sẽ có thể sẩy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân hoặc chậm phát triển.
Do đó, khi hút thuốc, người đàn ông đã hủy hoại sức khỏe của vợ con mình. Còn ông Olivier, Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho rằng hút thuốc lá là "giết người vô tội, khiến người khác mắc bệnh và chết một cách oan uổng".
Một điều tra cho thấy 60% trẻ em Việt Nam độ tuổi 13-15 đã tiếp xúc với khói thuốc tại nhà. Tại Hà Nội, gần một nửa dân số phải hút thuốc thụ động, nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em. Chính vì vậy mà tuy chỉ có 2% phụ nữ Việt Nam hút thuốc nhưng tỷ lệ mắc ung thư phổi ở họ vẫn đứng hàng thứ tư, chỉ sau ung thư vú, tử cung và dạ dày.
Mỗi năm ở Việt Nam có 40.000 người tử vong do những nguyên nhân liên quan đến thuốc lá, gấp 3 lần số người chết do tai nạn giao thông. Trong số đó có những người chết oan vì hít phải khói thuốc của người khác.
Để hạn chế nguy cơ hít khói thuốc thụ động cho người dân, thành phố Hà Nội sẽ mở rộng khu vực công cộng không khói thuốc qua một dự án do tổ chức Healthbidge Canada hỗ trợ. Mục đích của dự án kéo dài 2 năm này là tăng tính hiệu quả của chính sách cấm hút thuốc nơi công cộng tại các điểm như bệnh viện, trường học, phương tiện giao thông, cơ sở văn hóa, công sở... Healthbidge cũng sẽ thí điểm mô hình khu phố không khói thuốc. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết hiện đã nhiều quy định cấm hút thuốc nơi công cộng và công sở, Nghị định 45 đưa ra chế tài phạt 50.000-100.000 đồng cho vi phạm này. Tuy nhiên, việc xử phạt trên thực tế vẫn rất khó thực hiện. |
Hải Hà