Hươu cao cổ ăn xương trâu rừng. Video: YouTube.
Bầy hươu cao cổ chia nhau gặm xương sọ và những khúc xương sườn của trâu rừng ở khu bảo tồn Idube Game Reserve trong công viên quốc gia Kruger, Nam Phi, Sun hôm 10/7 đưa tin. Cảnh tượng hiếm gặp lọt vào ống kính máy quay của kiểm lâm viên kiêm chuyên gia động vật Rob.
Những hình ảnh thông thường về hươu cao cổ hoang dã thường là cảnh loài vật ăn cỏ đang gặm lá trên cành cây cao. Nhưng video mới hé lộ một nguồn thức ăn khác của hươu cao cổ. Việc ăn xương loài khác cung cấp cho hươu cao cổ lượng canxi và photpho cần thiết cho chính bộ xương của chúng. Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Khoa học Khảo cổ năm 2013, hươu cao cổ không chỉ ăn xương mà thường xuyên tiêu thụ gạc, sừng và ngà voi.
Hành vi này có tên gọi là osteophagia và biểu hiện khác biệt ở từng cá thể. Ví dụ, những con hươu cao cổ đặc biệt cao có khuynh hướng ăn xương nhiều hơn so với con thấp.
Jarod Hutson, nhà nghiên cứu hệ sau tiến sỹ ở Đại học Nevada, Mỹ, từng nghiên cứu những bộ xương có dấu răng hươu cao cổ. "Xương nằm rải rác ở mọi nơi trong môi trường sống của hươu cao cổ. Chúng sinh sống dựa vào việc ăn xương", Hutson nói.
Một nghiên cứu trước đây đặt giả thuyết hươu cao cổ tiêu thụ xương thường xuyên do áp lực về dinh dưỡng. Những thay đổi theo mùa dẫn tới tán lá cây thưa thớt có thể thúc đẩy hành vi ăn xương.
Hươu cao cổ hiếm khi nuốt chửng trực tiếp nhiều xương. Thay vào đó, chúng nhai và mút xương, sử dụng nước bọt để phân giải chất dinh dưỡng. "Dựa vào dấu răng, tôi nhận thấy chúng không nhai những mẩu xương lớn. Chúng chỉ gạt răng dọc theo khúc xương", Hutson cho biết.
Hươu cao cổ không phải loài duy nhất bổ sung dinh dưỡng bằng xương. Những loài ăn cỏ khác như lạc đà và trâu bò cũng thường xuyên ăn xương ở xác động vật.
Phương Hoa