Người gửi: Ngô Minh Quân,
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Hương vị Tết Việt Nam
Cũng đã được đón "Tết tây" dưới chân tháp Eiffel và Khải Hoàn Môn ở Paris hay dưới trời tuyết lạnh ở Montreal, Canada. Và cũng đã được đón Tết cổ truyền trong không khí đồng hương thân hữu trong các cộng đồng người Việt và hội sinh viên Việt Nam ở Bangkok, Paris và Montreal. Ở phương xa nhưng cũng có đầy đủ bánh mứt, củ kiệu tôm khô, thậm chí có cả những cành đào tươi mang từ Hà Nội qua, nói chung gần như những gì thường có trong ngày Tết ở Việt Nam đều có thể mua được ở các nước có đông người Việt như Pháp, Canada, Mỹ... Có tất cả nhưng sao tôi và đại đa số những đồng hương khác không thể cảm thấy một chút gì gọi là hương vị Tết. Từ những người đã xa quê hương trên 30 năm đến những sinh viên vừa qua du học được vài tháng, tất cả đều cảm thấy nhạt nhẽo, vô vị, trống trải và buồn man mác làm sao đó. Gặp nhau hay nói chuyện điện thoại với nhau thì ai cũng đều chỉ kể lại những kỷ niệm Tết ngày xưa ở Việt Nam. Ai cũng đồng tình là bên này thiếu cái "hương vị Tết" của Việt Nam. Nhưng không ai định nghĩa được "hương vị" đó là cái gì và vì vậy không ai biết phải làm sao để làm ra được cái hương vị đó. Một người bác đã ở Canada 28 năm thì cứ nhắc mãi cái mùi khói cay xè từ những thùng nấu bánh chưng bên nhà hàng xóm. Một cô bạn hồi tiểu học thì nhắc mùi hương nhang vì ngày xưa cô ta ở trong một khu phố có nhiều người gốc Hoa theo đạo Phật. Một anh chàng sinh viên mới qua từ Sài Gòn thì lại nhắc đến cái "hương vị" khói xe mịt mù và cái âm thanh náo nhiệt trên các đường phố hối hả dòng người đi chợ Tết. Bình thường khi ở trong nước có mấy ai nhắc đến mùi khói nấu cơm, khói xe, mùi nhang, tiếng ồn ào trên đường... Có nhắc chăng thì chắc cũng để than phiền. Nhưng sao khi đi xa thì ai cũng nhắc lại với một vẻ hoài niệm và thương nhớ? Đúng là những cái đó làm nên cái hương vị ngày Tết. Những cái hương vị đó đã thấm vào tâm hồn của tất cả những ai được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nên không ai có thể quên được. Có thể khi đang ở trong nước thì ta không để ý. Nhưng khi xa quê rồi mới thấy thèm, thấy nhớ nhưng tiếc thay những cái hương vị đó lại không xuất khẩu và nhập khẩu được. Nhà thơ Chế Lan Viên đã có diễn tả nỗi lòng này qua hai câu thơ rất nổi tiếng: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn".
Chỉ còn hơn một tiếng đồng hồ nữa là đến giao thừa. Trong giờ phút thiêng liêng này tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới đến tất cả mọi người trong gia đình, họ hàng, làng xóm, thành phố Hồ Chí Minh, đất nước Việt Nam và trên toàn thế giới. Hy vọng năm mới sẽ mang lại cho tất cả chúng ta thật nhiều niềm vui và may mắn. Dù làm gì, ở đâu thì chúng ta cũng sẽ mãi gìn giữ và làm rạng danh "hương vị" và tâm hồn Việt Nam.
Ngô Minh Quân