![]() |
Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN |
Theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội khoá XI là đã thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng nhiệm vụ. Hoạt động lập pháp có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng; hoạt động giám sát đã đi vào trọng tâm, có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức; việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng thực chất hơn.
"Tuy nhiên, so với nhiệm vụ và quyền hạn mà Hiến pháp và Luật quy định thì về tổ chức bộ máy của Quốc hội chưa ngang tầm, chưa đáp ứng công việc đầy đủ", Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Người dân sẽ tham gia nhiều hơn vào quá trình làm luật
Theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, trong khóa XI, một số luật thiếu tính cụ thể, phải có văn bản hướng dẫn mới thực hiện được. Không ít trường hợp chưa bám sát và phản ánh thật đúng thực tiễn cuộc sống, tính dự báo chưa cao, tính khả thi còn thấp, dẫn đến một số quy định khó đi vào cuộc sống, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần.
"Nhiều vấn đề lớn có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận chưa được tiến hành biểu quyết làm cơ sở cho việc chỉnh lý trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau. Việc lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên đối với một số dự án chưa sát thực; tính cục bộ ở một số lĩnh vực, ở một vài dự án luật còn nặng", Chủ tịch nói.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian tới sẽ tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, đồng thời, nắm bắt được ý dân về những vấn đề mà cuộc sống đòi hỏi cần có sự điều chỉnh của pháp luật. Quốc hội sẽ nghiên cứu, áp dụng việc xây dựng những dự án luật ngắn gọn, có thể chỉ điều chỉnh một vài vấn đề thật cụ thể, cấp thiết.
Nghiên cứu bổ sung quy định bỏ phiếu tín nhiệm
Là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội, nhưng hoạt động giám sát thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhận xét, nhiều kiến nghị giám sát chung chung, thiếu cụ thể. Cơ quan tiến hành giám sát chưa theo dõi, đôn đốc đến cùng việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị để đánh giá đúng kết quả, hiệu lực giám sát.
"Quốc hội phải khắc phục tình trạng giám sát chỉ nặng về chiều rộng mà thiếu chiều sâu; tăng cường giám sát theo chuyên đề, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó lưu ý việc sử dụng ngân sách nhà nước. Quốc hội cũng cần khắc phục tình trạng nể nang, dĩ hoà vi quý trong giám sát hoạt động của các bộ, ngành, địa phương", người đứng đầu cơ quan lập pháp nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Quốc hội cũng sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn theo hướng đi sâu giải quyết từng vấn đề được chất vấn. Quốc hội cũng sẽ nghiên cứu bổ sung các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục của việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Một số quyết định dài hạn chưa chuẩn xác
Trong 5 năm qua, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, gần đây nhất là phê chuẩn Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập WTO. Nhưng theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, chất lượng một số quyết định chưa cao, hiệu lực thực thi thấp. Tính dự báo trong một số quyết định dài hạn chưa đầy đủ và chuẩn xác.
Chủ tịch cho rằng, việc thiếu các cơ quan chuyên môn độc lập thẩm định các vấn đề khoa học, kỹ thuật, tính chính xác để tham mưu phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định là một trong những nguyên nhân khá quan trọng dẫn đến thiếu căn cứ xác thực, làm hạn chế chất lượng các quyết định.
Để nâng tầm của Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Cần xây dựng cơ chế và có phương pháp để Quốc hội có thực quyền trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là về ngân sách nhà nước. Có cơ chế để các đại biểu Quốc hội nắm bắt được thông tin đa chiều trước khi quyết định".
Việt Anh