Trong đêm nhạc Một nửa - kỷ niệm 25 năm theo nghề, ở phần Gia đình, ca sĩ tri ân người mẹ qua đời vì bạo bệnh năm ngoái. Một thời gian dài, chị không thể đi hát vì nhớ mẹ, sợ bật khóc giữa chừng, ảnh hưởng đến chương trình.
Từng thể hiện gần 20 ca khúc chủ đề người mẹ, ca sĩ chọn Lặng lẽ mẹ tôi (Vũ Minh Đức sáng tác) để hát trong đêm nhạc bởi tâm đắc với phần ca từ. Bài hát là lời giãi bày của người con mải miết mưu sinh mà không nhận ra mẹ vẫn luôn dõi theo: "Có lúc ta quên nhìn mắt mẹ, còn chờ ta mỏi ngóng đêm sâu/ Có lúc ta quên nhìn dáng mẹ, chợt quạnh hiu ngày ta bước vào đời".
Hương Giang cũng dành một tiết mục tưởng nhớ chồng - ca sĩ Phi Hải, qua đời vì Covid-19 năm 2021, với ca khúc Tạ tình (Hoàng Thi Thơ) - Nghìn trùng xa cách (Phạm Duy). Ca sĩ cho biết suốt một năm sau khi chồng mất, chị tránh các ca khúc chủ đề chia ly, nhất là những bài cả hai từng song ca. Mỗi lần lên sân khấu, chị phải "đấu trí" để bản thân tỉnh táo, bởi chỉ cần đặt cảm xúc nhiều quá, giọng sẽ nghẹn và không hát được nữa.
"Tôi gửi đến anh những ca khúc này để nhắc lại quãng thời gian chung sống với nhau, dẫu vui buồn hay đắng cay, đều là duyên nợ hai người từng có", chị nói.
Đêm nhạc được chia thành ba phần, tái hiện sự nghiệp của giọng ca phòng trà nổi tiếng. Với chương Mở đầu, chị chọn Điệp khúc tình yêu (Trần Tiến), khoe quãng âm rộng với điệp khúc: "Hãy hát lời tình yêu/ Bằng trái tim lửa cháy". Ca sĩ cho biết lời bài hát cũng là tâm nguyện làm nghề của chị suốt hơn hai thập niên: ca hát bằng cả trái tim.
Ca sĩ giữ chân khán giả bằng loạt tình khúc vang bóng một thời. Hát Đánh mất (Hoàng Hiệp), chị nhớ về thời chân ướt chân ráo đi thi Tiếng hát truyền hình TP HCM năm 1997 và đoạt giải ba. Với Khúc mùa thu (nhạc: Phú Quang, thơ: Hồng Thanh Quang), chị nói muốn thử thách bản thân bằng một bản hit đậm tính tự sự của cố nghệ sĩ Lê Dung.
Càng về cuối chương trình, Hương Giang càng thăng hoa qua nhiều dòng nhạc, từ slow-rock - Một cõi tình phai (Ngô Thụy Miên), Nếu ta đừng quen nhau (Huỳnh Anh), Chiều tàn (Lam Phương) đến tango - Kiếp nghèo (Lam Phương). Ca sĩ tạo không khí gần gũi với lối trò chuyện ngẫu hứng cùng khán giả. Thỉnh thoảng, chị quên kịch bản, phải quay sang hỏi ban nhạc về tiết mục tiếp theo. "Gần đây đi hát, mỗi lần quên lời tôi lại đổ thừa cho Covid-19, chứ thật ra tôi cũng đãng trí lắm", chị nói vui.
Xen kẽ các tiết mục âm nhạc, nhiều đồng nghiệp ôn kỷ niệm lần đầu quen Hương Giang trong phần giao lưu. Ca sĩ Duy Hưng nhớ như in lần gặp đàn chị khi thi Tiếng hát truyền hình với bài Bài ca không quên (Phạm Minh Tuấn), ấn tượng với "một bà tóc tém, không đẹp nhưng hát rất hay".
Sau đó, anh theo đuổi kinh doanh, thỉnh thoảng mới đi hát nên không còn dịp gặp lại. Một lần, hội ngộ ở một phòng trà, anh lại bị ác cảm về tính thẳng thắn quá mức của Hương Giang. Chị thường chê đàn em trong hậu trường bằng chất giọng lạnh tanh: "Em ơi sao hát kỳ vậy?". Về sau, tiếp xúc vợ chồng Hương Giang - Phi Hải, anh nhận ra ca sĩ sống tình nghĩa, bên trong lớp vỏ xù xì là một tâm hồn mong manh. "Tôi nhận ra chị không biết nói xạo. Có lẽ vì thật thà quá, sự nghiệp chị nhiều điều không như mong đợi", Duy Hưng nói.
Cuối đêm nhạc, Hương Giang gây bất ngờ khi lần đầu song ca con gái Phương Khoa, 22 tuổi, bài Kỷ niệm (Phạm Duy). Chị chọn lối hát bè, làm nền để tôn chất giọng trong trẻo của con. "Thành tựu lớn nhất đời tôi là sinh được hai con ngoan ngoãn, yêu thương cha mẹ", ca sĩ nói.
Hương Giang tốt nghiệp Đại học Ngoại thương TP HCM, đi hát từ năm 22 tuổi, từng đoạt giải ba Tiếng hát truyền hình TP HCM năm 1997. Sau đó, chị tham gia Tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 1999, giành giải tư chung cuộc (đồng hạng với Hồ Quỳnh Hương).
Với chất giọng thổ pha kim, Hương Giang trở thành ca sĩ quen thuộc của nhiều phòng trà Sài Gòn. Năm 2003, chị ra CD đầu tay, tuyển tập các ca khúc Vũ Quốc Việt. Năm 2013, chị tham gia đĩa than Lặng lẽ tiếng dương cầm - tập hợp các tình khúc Nguyễn Ánh 9. Giọng hát của Hương Giang được nhiều người trong giới chơi nhạc hi-end yêu thích bởi âm sắc hợp với các đĩa than thể loại acoustic.
Mai Nhật