Thông tin do TS.BS Edward A. Phạm, Viện phó Viện Nghiên cứu Vi sinh và Chống dịch Stanford chia sẻ tại Hội nghị khoa học 2024 của Hệ thống BVĐK Tâm Anh, ngày 29/9. Kết quả này có từ nghiên cứu FRESCO-2, thực hiện tại 124 bệnh viện và trung tâm ung thư ở 14 quốc gia, trên bệnh nhân 18 tuổi trở lên bị ung thư biểu mô đại trực tràng di căn kháng trị với các liệu pháp trước đó.
Các chuyên gia nghiên cứu hiệu quả với loại thuốc làm chậm, giảm hoặc ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu cung cấp máu cho một số khối u. Khi dùng loại thuốc này, thời gian sống thêm trung bình của những bệnh nhân là 7,4 tháng, gần gấp đôi so với kết quả 4,8 tháng của nhóm sử dụng giả dược.
Nghiên cứu ban đầu FRESCO thực hiện năm 2017, trên 416 bệnh nhân tại Trung Quốc cũng cho kết quả tương tự. Kết quả này cho thấy tín hiệu khả quan đối với việc phát triển và ứng dụng thuốc điều trị đặc hiệu cho ung thư đại trực tràng giai đoạn di căn.
Theo Gobocan 2022, ung thư đại trực tràng đứng thứ 4 trong các loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam với gần 17.000 ca mắc mới, liên tục tăng theo từng năm. TS.BS Edward A. Phạm đánh giá ung thư đại trực tràng có xu hướng trẻ hóa, số lượng người dưới 50 tuổi mắc ung thư trực tràng có xu hướng tăng gấp đôi. Vì vậy, độ tuổi bắt đầu sàng lọc ung thư trực tràng nên giảm xuống 45 thay vì 50.
Ung thư đại trực tràng di căn đến nay vẫn còn là thách thức với y học vì tốc độ tiến triển nhanh, dễ kháng thuốc, khó điều trị. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của người bệnh chỉ khoảng 14%.
Theo TS Edward, trong 20 năm qua lĩnh vực điều trị ung thư đại trực tràng có nhiều tiến bộ. Trước năm 2000, bệnh chủ yếu điều trị bằng hóa trị với hiệu quả hạn chế, thời gian sống thêm khoảng một năm. Giai đoạn 2000-2010, sự kết hợp giữa liệu pháp nhắm trúng đích và hóa trị đã cải thiện thời gian sống cho người bệnh thêm khoảng hai năm. Từ 2010 đến 2020, liệu pháp miễn dịch ra đời, phối hợp với liệu pháp trúng đích và hóa trị đã kéo dài thời gian sống cho người bệnh ung thư đại trực tràng là ba năm.
Về tiến bộ điều trị tại Việt Nam, PGS.TS.BS Triệu Triều Dương - Giám đốc chuyên môn khối Ngoại, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng những năm gần đây có nhiều bước tiến mới. Bệnh có thể chẩn đoán chính xác bằng nội soi sinh thiết mẫu bệnh phẩm, kết hợp thực hiện MRI hoặc CT để xác định vị trí khối u. Xét nghiệm marker CEA giúp đánh giá ban đầu và theo dõi tái phát bệnh.
PGS Dương nói thêm, trong điều trị ung thư trực tràng, hóa xạ trị tân bổ trợ làm giảm kích thước u, làm tăng tỷ lệ bảo tồn cơ thắt ở nhóm u trực tràng thấp lên 65%, giảm tỷ lệ tái phát tại chỗ. Phẫu thuật nội soi cắt trực tràng điều trị ung thư trực tràng đảm bảo an toàn, hiệu quả. Kết hợp cùng hóa xạ trị tiền phẫu dài ngày làm giảm giai đoạn bệnh hiệu quả.
Chia sẻ cụ thể hơn về các biện pháp điều trị ung thư đại trực tràng, TS.BS Vũ Hữu Khiêm - Trưởng khoa Ung Bướu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết Việt Nam đang thực hiện điều trị đa mô thức. Các phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị đích, miễn dịch tương tự trên thế giới.
Chỉ định điều trị tùy theo giai đoạn bệnh, vị trí u, giải phẫu bệnh, kết quả kiểm tra đột biến gen, bộc lộ miễn dịch. Thông thường giai đoạn sớm thường chỉ định phẫu thuật, sau đó có thể bổ trợ bằng thuốc hóa chất, đích miễn dịch. Ở giai đoạn muộn, các phác đồ điều trị hiện nay bao gồm hóa chất, đích, miễn dịch.
Hội nghị khoa học BVĐK Tâm Anh tổ chức thường niên, có vai trò như diễn đàn khoa học chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật tiến bộ y học, công bố các kết quả ứng dụng công nghệ hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh, nhận diện những thách thức mới trong y học. Năm nay, hội nghị có 141 báo cáo với 18 chuyên đề, đa dạng các lĩnh vực chuyên khoa y tế, thu hút cán bộ y tế của nhiều đơn vị. Đặc biệt, hai chuyên gia đầu ngành của Viện nghiên cứu Vi sinh và Chống dịch Stanford cũng tham gia báo cáo.
Khuê Lâm - Hoài Phạm