Người gửi: TVT
Trong nhiều năm gần đây, những người hoạch định chính sách giáo dục của nước nhà đề ra và thực hiện quá nhiều sự thay đổi mà theo tôi vừa tốn kém lại vừa kém hiệu quả. Nào là cải cách chữ viết, tệ nạn học thêm tràn lan, sách tham khảo chất cao như núi, thay đổi thể lệ thi tốt nghiệp, tuyển sinh, học tại chức kiểu trăm hoa đua nở nhà nhà học tại chức, người người học tại chức. Song hành với những thay đổi này là tệ nạn mua điểm, mua bằng, thuê người học hộ...
Sự thay đổi và nạn tiêu cực trên cho chúng ta những sản phẩm kém chất lượng, như tiến sĩ giấy (cả năm, hoặc cả đời "tiến sĩ" không cho ra đời được một sản phẩm khoa học nào xứng danh với học vị tiến sĩ mà ngài "tiến sĩ" đó đang sở hữu). Một thế hệ có chữ viết như "gà bới", một thế hệ cận và loạn thị, một thế hệ với mớ kiến thức lý thuyết hỗn độn, què quặt, thiếu thực tiễn.
Một điều chớ trêu nữa là tình trạng hiện nay thầy nhiều hơn thợ, học xong lại làm trái nghề, lãng phí tiền của của Nhà nước và của gia đình. Để khắc phục những hậu quả này chắc phải tốn nhiều thời gian và tiền của của dân, trong khi đó có những việc làm có thể làm ngay được mà không tốn kém kinh phí.
Đó là thay đổi cách dạy và học để học sinh chủ động tham gia vào việc xây dựng nội dung bài học trên lớp, giảm số giờ học lý thuyết, tăng số giờ thâm nhập thực tế, phối kết hợp với các cơ sở sản xuất có liên quan trực tiếp với ngành học để học sinh từng bước tiếp cận với quy trình công nghệ, các thao tác cơ bản, các kinh nghiệm thực tế để khi ra trường có thể làm việc được ngay.
Ở những trường kỹ thuật có thể kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp làm kinh tế để có thêm kinh nghiệm sản xuất, thêm kinh phí phục vụ cho công tác đào tạo mà không nhất thiết phải tăng thêm học phí. Các trường xã hội, kinh tế nên phối hợp với các cơ quan khoa học, hoặc các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin phục vụ cho công tác điều tra xã hội học, giúp các bộ máy quản lý nhà nước trong việc hoạch định chính sách.
Đồng thời đổi mới việc tuyển sinh theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của xã hội, của nền kinh tế, có tính đến sự phát triển của xã hội và của nền kinh tế trong tương lai trung và dài hạn.