Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành hướng dẫn viên (HDV), Huỳnh Thống Nhứt (1993) đi làm ở TP.HCM và chu du các tỉnh miền Tây, miền Trung. Đến năm 2016, anh có cơ duyên ra Côn Đảo, đem lòng yêu thích và quyết định gắn bó với nơi này. "Côn Đảo là nơi đặc biệt, cơ sở vật chất không như đất liền nên cần người HDV yêu đảo, chịu được vất vả và có thể gắn bó lâu dài", Nhứt cho biết.
"Côn Đảo là nơi mình làm nghề, nhưng cũng là nơi để tìm hiểu thêm về bản thân và thiên nhiên, tâm linh", anh nói. Hàng ngày, Nhứt dậy từ 4h sáng để thiền, 5h dạy yoga, sau đó ăn sáng rồi bắt đầu làm việc. Có ngày anh làm việc tại nhà, có ngày anh dẫn khách từ 8h sáng đến 10h đêm.
Một trong những tour anh tâm đắc là đưa khách xem rùa đẻ trứng mỗi khi hè về. Rùa biển, hay còn gọi là vích, sinh vật đặc trưng của vùng biển này. Rùa có thể chu du nhiều nơi, nhưng đến thời điểm vàng vào tháng 4 đến tháng 9 hằng năm, những con rùa cái trưởng thành sau thời gian giao phối tìm đến các hòn đảo lớn nhỏ của vùng biển Côn Đảo để bắt đầu quá trình đẻ trứng. Ngoài ra, một đặc tính nữa của rùa là chúng sẽ tìm về nơi nó từng sinh ra để đẻ. Anh Nhứt tự hào gọi đây là "điều thú vị mà thiên nhiên ưu đãi cho Côn Đảo".
"Rùa đẻ về đêm, thường chọn bãi cát mềm gần những lùm cây, dùng 2 chân trước đào tổ, 2 chân sau đào một lỗ sâu để đựng trứng. Quá trình đẻ trứng có thể kéo dài khoảng 60 phút. Mỗi lần rùa mẹ đẻ trên dưới 100 trứng, và có thể đẻ nhiều lần trong một mùa", anh miêu tả.
Sau khi rùa mẹ lấp cát vào ổ trứng và trở về biển, trứng rùa được bộ phận kiểm lâm trên đảo đem lên một hồ ấp nhân tạo để tránh tình trạng úng trứng khi thủy triều lên.
Anh Nhứt cho biết đây là tour đặc biệt và mỗi hòn giới hạn chỉ 40 khách tham quan một đêm. Rùa cần yên tĩnh, khi khách đông quá rùa sẽ sợ và không đẻ nữa. Kiểm lâm cũng phải tắt hết ánh sáng vào thời gian này. "Khách xem rùa đẻ trứng ai cũng vui, cảm thấy yêu thiên nhiên, động vật hơn vì rùa con rất mong manh. Mình nhớ nhất đoàn giáo viên người Nhật sang đây làm tình nguyện viên dạy học ngắn hạn. Hai năm nay năm nào họ cũng đến thăm rùa. Hiện tượng này lạ và hiếm có nên họ rất thích", anh tự hào chia sẻ.
Anh Nhứt thường dẫn khách cho 2 loại hình du lịch chính tại đảo. Thứ nhất là du lịch tâm linh, khách tham quan di tích, viếng chùa, dã ngoại ở biển, tối đi nghĩa trang. Thứ hai là loại hình khám phá, anh dẫn khách sang những hòn đảo nhỏ để chơi, ngắm biển, lặn ngắm san hô, leo núi, xem rùa đẻ trứng... Ngoài hướng dẫn khách tham quan đảo, anh còn hỗ trợ du khách đặt vé tàu xe, phục vụ ăn uống, lưu trú, tư vấn lịch trình...
Làm du lịch ở đảo xa nhiều chuyện dở khóc, dở cười. Anh nhớ nhất những mùa gió chướng, kéo dài từ tháng 10 đến khoảng tháng 3 năm sau. Đúng như tên gọi, đây là mùa có những cơn gió chẳng thuận theo ý của dân nên họ gọi là "chướng". Biển động, gió lớn không an toàn nên tàu bè thường bị cấm hoặc hủy chuyến, nhu yếu phẩm cũng không chở ra đảo được. "Nhiều du khách đến đây nhưng không có tàu trở về, bị kẹt lại đảo vài ngày, đôi khi lên đến cả tuần. Nhiều vấn đề nảy sinh như thiếu phòng khách sạn, chi phí ăn uống... Mình phải chạy đôn đáo khắp nơi để sắp xếp", anh bộc bạch. Ngoài ra, Côn Đảo cũng là vùng đất tâm linh nên HDV cũng phải thường xuyên dẫn khách đi nghĩa trang vào ban đêm. "Đêm nào cũng thắp nhang, ngửi khói nhang rồi về khuya, ban đầu cũng hơi mệt nhưng sau rồi quen", anh cho hay.
Anh Nhứt tận hưởng cuộc sống trên đảo và không gặp khó khăn gì trong suốt 4 năm qua. "Mình thấy yêu thiên nhiên hơn, sáng dậy ngắm trời mây, biển đảo. Đời sống ở đảo bình yên, không xô bồ, cũng không lo vấn đề trộm cắp, tối mình ngủ cứ để xe ngoài sân không cần khóa", anh vui vẻ nói.
Ngân Dương