Còn với mũi tiêm bổ sung, liều dùng không thay đổi là 0,5 ml. Đây là điểm mới Bộ Y tế nêu trong công văn gửi các đơn vị và địa phương ngày 28/1 về việc tiêm vaccine Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại.
Trước đó, Cục Quản lý Dược chấp thuận đề nghị của nhà sản xuất vaccine Moderna, về việc người đã tiêm đủ hai liều cơ bản vaccine này thì tiêm mũi thứ 3 bằng nửa liều (tức 0,25 ml thay vì 0,5 ml). Như vậy, theo hướng dẫn mới, người đã tiêm hai mũi vaccine trước đó bất kể vaccine gì nếu tiêm mũi 3 vaccine Moderna thì cũng sử dụng liều dùng 0,25 ml.
Đầu tháng 1, chi nhánh Công ty TNHH Zuellig Pharm (đơn vị đề nghị phê duyệt) gửi công văn kèm tài liệu đến Cục Quản lý Dược, đề nghị tiêm liều thứ 3 của vaccine Moderna bằng nửa liều cơ bản. Tuần trước, Cục đã chấp thuận đề nghị này.
Bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết quyết định chấp thuận của Bộ Y tế dựa vào khuyến cáo từ nhà sản xuất và căn cứ kết luận Hội đồng tư vấn cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Tháng 10/2021, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt sử dụng nửa liều vaccine Moderna trong liều tiêm tăng cường. Mũi 3 tiêm ít nhất 6 tháng sau liệu trình chính hai liều. Quyết định "nửa liều" đưa ra dựa trên nghiên cứu lâm sàng của Moderna. Hãng dược này không đưa ra con số tỷ lệ cụ thể về hiệu quả phòng bệnh với nửa liều mũi 3, song cho biết các tình nguyện viên tiêm nửa liều vaccine vẫn có mức kháng thể "tăng đáng kể".
Hướng dẫn lần này, Bộ Y tế cũng nhắc lại quy định việc tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại đối với vaccine Sinopharm. Cụ thể, người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine do Sinopharm sản xuất thì có thể tiêm liều bổ sung và nhắc lại bằng vaccine AstraZeneca sản xuất. Như vậy, Sinopharm là loại duy nhất hiện nay được tiêm trộn với vaccine mRNA hoặc vector virus.
Bộ Y tế cho phép tiêm liều nhắc lại với người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản, bảo đảm bao phủ toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc. Khoảng cách tiêm liều nhắc lại sau 3 tháng kể từ mũi cuối cùng của liều cơ bản (mũi hai), thay vì 6 tháng như trước đây. Liều bổ sung tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.
Liều cơ bản là vaccine tiêm theo liệu trình quy định của nhà sản xuất. Việt Nam đang tiêm chủ yếu là các loại vaccine liệu trình hai liều (thường gọi là mũi một, mũi hai), như vaccine của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik..., mỗi liều tiêm cách nhau 3-6 tuần tùy loại. Vaccine của Johnson & Johnson liệu trình chỉ một mũi duy nhất; còn vaccine của Cuba liệu trình 3 mũi tiêm.
Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, người tiêm vaccine của Sinopharm, Sputnik phải tiêm mũi bổ sung mới được xem đủ liều cơ bản.
Liều bổ sung là liều tiêm sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày.
Liều nhắc lại còn gọi là liều tăng cường, tiêm ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.
Việt Nam đã tiếp nhận hơn 211,9 triệu liều vaccine các loại. Tổng số liều đã được tiêm là 180,3 triệu, trong đó tiêm mũi một là 79 triệu liều, tiêm mũi hai là 74 triệu liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 27,3 triệu liều.
Dự kiến cả nước hoàn tất tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên trong tháng 1 và tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I. Chính phủ phát động chiến dịch tiêm chủng mùa xuân, theo kế hoạch sẽ tổ chức tiêm xuyên Tết.