Bản hướng dẫn còn nhắc nhở, trước khi sinh, bà bầu cần kiểm tra gia đình có đủ giấy vệ sinh không và dọn dẹp tủ lạnh sao cho các thành viên khác không cảm thấy khó chịu. Họ cũng nên chuẩn bị sẵn đồ ăn cho chồng vì "đàn ông chắc chắn không giỏi nấu nướng". Ngoài ra, phụ nữ mang thai được khuyên "buộc chặt tóc để trông gọn gàng" ngay cả khi không kịp tắm. Sau khi em bé ra đời, họ nên giữ những váy cỡ nhỏ trong tầm mắt để lấy đó làm động lực ăn ít hơn và chăm tập thể dục.
Điều đáng nói hơn là trách nhiệm của đàn ông hoàn toàn không được nhắc tới trong bản hướng dẫn này.
Văn bản này được đăng tải lần đầu năm 2019, nhưng tuần trước mới xuất hiện trên mạng xã hội và làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội. Người dân cho rằng những lời khuyên trên thể hiện những quan điểm lỗi thời của xã hội gia trưởng và cần bị loại bỏ.
Yong Hye-in, một nhà hoạt động xã hội kiêm chính trị gia nhận định, bản hướng dẫn khiến trách nhiệm của người phụ nữ tăng gấp đôi bởi ngoài việc chăm con, họ còn phải chăm chồng. "Tốt nhất, phụ nữ lỡ kết hôn với đàn ông không làm được những việc như vứt đồ ăn hỏng hãy ly dị đi", Yong viết trên trang cá nhân.
"Tôi nghĩ bản hướng dẫn được viết bởi người chưa từng sinh nở", bác sĩ Kim Jae-yean, chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Sản - Phụ khoa Hàn Quốc nhận định. Theo ông, chính quyền Seoul nên tập trung vào những vấn đề thiết thực hơn như nuôi con bằng sữa mẹ.
Từ tuần trước, hơn 22.000 người Hàn Quốc đã ký tên online để kiến nghị bỏ bản hướng dẫn. Họ cũng mong muốn giới chức xin lỗi và kỷ luật những nhân viên đưa ra bản hướng dẫn này.
Trong email gửi tới New York Times, bộ phận y tế công cộng của Seoul cho biết "họ cảm thấy có trách nhiệm vì đã không xem xét, giám sát nội dung và phê duyệt một cách kỹ lưỡng, chặt chẽ". Họ khẳng định sẽ điều chỉnh lại nội dung và đào tạo thêm cho các nhân viên về nhạy cảm giới.
Hiện phần lớn bản hướng dẫn đã được xóa bỏ nhưng ảnh chụp văn bản gốc vẫn lan truyền trên mạng xã hội.
"Không phải tìm đâu xa, đây chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh thấp", một người viết trên mạng xã hội. Người khác tỏ sự tức giận: "Ai đã làm ra bản hướng dẫn này? Có rất nhiều thứ cần được sửa chữa".
Một số nhà lập pháp cũng chỉ trích thông điệp này gây tổn hại cho danh tiếng của Hàn Quốc. "Thật khó xử khi tư tưởng phụ nữ mang thai phải phục vụ gia đình lỗi thời vẫn được tuyên truyền", Woo Sang-ho, nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ, viết trên trang cá nhân.
Vài ý kiến cho rằng những lời chỉ trích trên mạng đã đi quá xa.
"Tôi không nghĩ việc gợi ý phụ nữ chuẩn bị đồ ăn và đồ dùng trong nhà là nực cười", Kyung Jin Kim, 42 tuổi, chia sẻ. Kyung từng làm luật sư ở Seoul song bỏ việc để kết hôn. Dù vậy, chị thừa nhận hướng dẫn này sẽ hữu ích hơn nếu "giọng điệu không giống một người đàn ông trung niên hay một bà mẹ chồng lớn tuổi".
Hàn Quốc từ lâu đã trở thành cường quốc kinh tế và văn hóa nhưng phụ nữ nước này vẫn bị phân biệt đối xử trong nhiều tình huống. Theo báo cáo năm 2017 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chênh lệch thu nhập giữa hai giới ở Hàn Quốc cao nhất trong 37 nước thành viên. Lương của phụ nữ ít hơn đàn ông đến 40%. Nhiều người phải ngừng làm việc khi có con vì không thể chịu nổi áp lực từ gia đình và cơ quan.
Dù vậy, làn sóng phản đối bản hướng dẫn của Seoul cho thấy thái độ của người dân về phụ nữ mang thai đã phần nào thay đổi.
Adele Vitale, một bà đỡ người Italy đã sống ở thành phố cảng Busan hơn 10 năm cho biết các ông chồng Hàn Quốc giờ đây nhận nhiều trách nhiệm hơn trong việc nuôi dạy con cái và chăm sóc gia đình. Họ cũng không coi phụ nữ mang thai là "vô dụng" như trước.
"Gia đình đã thay đổi. Phụ nữ không còn muốn đối xử theo cách cũ nữa", Vitale nói.
Thu Nguyệt (Theo New York Times)