Nghệ sĩ Lan Hương. |
- Người ta nói những người cùng ngành thường khó giữ một gia đình hạnh phúc, còn quan niệm của chị?
- Tôi và anh Kỷ quen nhau từ hồi cùng học lớp diễn viên khoá I của Nhà hát kịch Việt Nam, yêu nhau 10 năm rồi mới cưới. Có lẽ làm cùng nghề rồi yêu nhau lâu thế nên từ khi sống với nhau, chúng tôi ít có xung đột. Nhiều khi tôi đùa, bảo anh ấy thử cãi nhau một chút cho không khí gia đình phong phú hơn. Còn con cái, tôi quan niệm, càng đông càng vui, càng tình cảm. Vì điều kiện làm nghề và kinh tế gia đình, chứ tôi thích có nhiều con. Tôi thích cái cảm giác đi xa về thấy con cái ríu rít. Rồi ngày nghỉ, vợ chồng, con cái quây quần ăn uống bên nhau. Cái không khí đầm ấm thân thuộc ấy tôi yêu lắm.
- Nhưng để đổi lại, cũng phải hy sinh những cái riêng của bản thân. Mà điều đó không dễ với nghệ sĩ, chị thì sao?
- Tôi chỉ nghĩ đơn giản, muốn được người khác quan tâm đến mình thì trước tiên hãy biết lo toan, chăm chút đến người khác. Có lẽ vì quan niệm như vậy mà tôi thấy dễ dàng hoà nhập với xung quanh. Chẳng hạn, hồi mới về làm dâu nhà anh Kỷ, nhà anh có 5 anh em trai, anh Kỷ là con út. 5 cặp gia đình đều ở một nhà, nhưng chỉ vợ chồng tôi là diễn viên. Trong môi trường như vậy, phận làm dâu, nếu cứ đi về giờ giấc thất thường, sinh hoạt theo kiểu nghệ sĩ thì rất khó sống. Chẳng hạn, đi diễn về khuya, sớm mai thường phải 9-10 giờ mới dậy, nhưng tôi đâu có làm như thế.
- Đã có lúc chị định bỏ nghề diễn?
- Trước đây, lúc mở cửa hàng may đo, tôi định nghỉ diễn ở Nhà hát để mình anh ấy làm nghề. Vợ chồng đều là diễn viên, kinh tế gia đình không được thoải mái, nhất là lo sau này các cháu tuổi ăn, tuổi lớn, chi phí cho học hành không phải ít. Chăm sóc con cái, ngoài đầu tư về vật chất, còn phải có thời gian và sự gần gũi sẻ chia về mặt tình cảm. Vợ chồng diễn viên đi suốt. Các cháu cũng thiệt thòi, vì ngày nghỉ, lễ, Tết bố mẹ hầu như đều bận cả.... Rất may là anh ấy luôn chia sẻ công việc gia đình và cùng quan điểm về giáo dục con cái. Hơn nữa, gia đình các bên nội, ngoại, rồi anh em xung quanh đều quan tâm, giúp đỡ.
- Người đàn bà đầy tham vọng trong vở "Hedda Gabler" mà chị sắp thể hiện sẽ như thế nào?
- Ai cũng có tham vọng. Như chúng tôi thì tham vọng trong chừng mực của nghề nghiệp, trong giới hạn của mình chứ không cuồng vọng như bà Hedda Gabler. Mẫu người này không còn xa lạ nữa với chúng ta so với cách đây mười lăm năm. Đã làm nghề thì bao giờ diễn viên cũng muốn thử sức, muốn được khẳng định ở lĩnh vực mình đeo đuổi .
- Ngoài việc tập trung cho chuyên môn, là người trong Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát, chị nghĩ gì khi những vở diễn của Nhà hát vẫn ít đến với công chúng?
- Đôi khi nghe ai đó nói có ý trách móc rằng các anh, các chị nghệ sĩ nổi tiếng mà có bán được tấm vé nào cho Nhà hát đâu, tôi thấy xót xa. Như tôi, chỉ biết chăm lo cho nghề nghiệp, khi nhận vai thì tập trung cho nhân vật chứ không giỏi quan hệ với nơi này nơi kia để bán vé, dẫu biết vai diễn của mình bỏ ra tâm sức, đến được với người xem càng nhiều càng tốt. Nhà hát có doanh thu, nghệ sĩ cũng sống được. Tôi nghĩ, mỗi vở nên trích đầu tư hẳn hoi cho công tác marketing. Người làm tổ chức biểu diễn cũng phải chuyên nghiệp và đươc tạo điều kiện làm việc tốt nhất.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)