"Tôi tái khẳng định chính phủ Hungary ủng hộ Thụy Điển trở thành thành viên NATO. Tôi cũng nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ thúc giục quốc hội bỏ phiếu ủng hộ Thụy Điển gia nhập liên minh và hoàn tất sớm nhất có thể", Thủ tướng Viktor Orban viết trên X ngày 24/1, nhắc đến cuộc điện đàm cùng ngày với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Ông Stoltenberg nói đã có "cuộc điện đàm hiệu quả" với lãnh đạo Hungary và hoan nghênh sự ủng hộ rõ ràng từ Thủ tướng nước này với việc Thụy Điển vào NATO.
"Tôi mong chờ quá trình phê duyệt sẽ được hoàn tất ngay khi quốc hội Hungary làm việc trở lại", theo ông Stoltenberg.
Phiên họp thường kỳ tiếp theo của quốc hội Hungary dự kiến bắt đầu cuối tháng 2. Cơ quan này có thể triệu tập họp sớm hơn, miễn là có thông báo trước 48 giờ. Đảng Fidesz của ông Orban chiếm thế đa số áp đảo tại quốc hội. Do đó, việc thông qua nghị định thư của Thụy Điển hoàn toàn trong tầm tay của ông Orban.
Phần Lan cùng Thụy Điển hồi tháng 5/2022 nộp đơn xin gia nhập NATO, kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết về quân sự. Phần Lan hồi tháng 4/2023 gia nhập thành công, sau khi nhận được sự ủng hộ từ 30 nước thành viên. Thụy Điển lúc đó gặp trở ngại từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Sau nhiều tháng trì hoãn, quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23/1 đã thông qua nghị định thư của Thụy Điển và đang chờ Tổng thống Tayyip Erdogan ký duyệt. Hungary hiện là thành viên NATO duy nhất chưa "bật đèn xanh" cho nước Bắc Âu.
Hungary thường chỉ trích Thụy Điển vì "có thái độ thù địch công khai" khi nhiều lần chỉ trích về các vấn đề pháp quyền của Budapest. Mâu thuẫn hai nước ngày càng gia tăng hồi cuối năm 2023, sau khi xuất hiện video được phát ở các trường học Thụy Điển từ năm 2019, trong đó nói rằng nền dân chủ ở Hungary bị suy thoái.
Thủ tướng Orban ngày 23/1 đã gửi thư mời người đồng cấp Thụy Điển Ulf Kristersson đến Budapest để thảo luận về việc gia nhập NATO. Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cùng ngày phản hồi nước này "không có lý do để thảo luận" với Hungary.
Như Tâm (Theo Reuters, CNN)