"Croatia đã khiến không chỉ Hungary mà cả Liên minh châu Âu EU thất vọng, họ đã từ bỏ tất cả các cam kết pháp lý liên quan", Reuters dẫn lời người phát ngôn chính phủ Hungary Zoltan Kovacs nói hôm nay.
Ông Kovacs cho rằng Croatia đã không giúp bảo vệ biên giới của khối một cách thích đáng bằng cách "vẫn tiếp tục" đưa người di cư đến biên giới của Hungary.
Riêng ngày hôm qua, Zagreb đã đưa khoảng 8.000 người tới biên giới, ông Gyorgy Bakondi, cố vấn an ninh cấp cao của Hungary cho biết.
Thủ tướng Croatia Zoran Milanovic cũng thể hiện sự quyết tâm thực hiện chính sách đưa người di cư sang Hungary.
"Chúng tôi ép buộc họ, bằng cách đưa mọi người đến đó và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc này. Chưa có thỏa thuận nào với Hungary", BBC dẫn lời ông Milanovic nói.
Ông Milanovic phát biểu tại thị trấn Beli Manastir, nơi các chuyến xe bus và tàu lửa chứa đầy người di cư được đưa tới Hungary hôm qua. Thủ tướng Croatia cũng đổ lỗi cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã không ngăn người di cư tới châu Âu qua đường biển.
Đêm qua khoảng 1.000 người được đưa tới Hungary bằng tàu với 40 cảnh sát hộ tống. Phát ngôn viên chính phủ Hungary Zoltan Kovacs nói với Sky News rằng việc đưa người di cư về Hungary cho thấy "hệ thống xử lý vấn đề người di cư và tị nạn của Croatia đã sụp đổ, cơ bản chỉ trong một ngày".
Phát ngôn viên chính phủ Hungary cáo buộc Croatia "cố ý tham gia vào việc buôn người". Budapest cũng chỉ trích Zagreb vi phạm luật quốc tế khi đưa tàu chứa đầy người di cư đi qua biên giới mà không đăng ký.
Từ ngày 16/9, có khoảng 20.000 người di cư đã đến Croatia. Hàng trăm người di cư khác vẫn đến Croatia mỗi giờ, mặc dù thủ tướng nước này cảnh báo quốc gia 4,2 triệu người không thể tiếp nhận thêm.
Theo Washington Post, khoảng 17.000 người di cư hôm qua mắc kẹt ở Croatia, sáng nay họ thức dậy ở trạm xe lửa sau khi bị cảnh sát Slovenia dùng hơi cay đẩy khỏi biên giới. Cảnh cát Slovenia hôm nay cho phép khoảng 850 người lên xe bus đến một trung tâm di cư ở Brezice của nước này.
"Vấn đề của chúng tôi là điện thoại di động không hoạt động, vì thế chúng tôi không biết chính xác mình đang ở đâu hay sẽ đi đâu", Bassam, một luật sư 38 tuổi đến từ Syria, nói. Anh cùng vợ và hai con gái, một ba tuổi và một 5 tuổi, rời khỏi nhà cách đây một tháng, với hy vọng tới được Đức. Sau khi bắt taxi từ Zagreb, Croatia đến biên giới, gia đình anh không biết sẽ đi đâu tiếp.
Cơ quan phụ trách người tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết hơn 442.000 người đã tới châu Âu trong năm nay bằng đường biển từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Bắc Phi, gần 3.000 người thiệt mạng trên đường đi.
Các lãnh đạo châu Âu dự kiến sẽ họp bàn về cuộc khủng hoảng này vào ngày 23/9 tới.
Khánh Lynh