"Chính phủ sẽ bãi bỏ trần giá xăng theo đề xuất của MOL, có hiệu lực ngay lập tức", Chánh văn phòng của Thủ tướng Viktor Orban, Gergely Gulyas, hôm 6/12 cho hay, đề cập công ty năng lượng khổng lồ MOL của Hungary.
"Điều chúng tôi lo sợ đã thành sự thật, lệnh trừng phạt dầu mỏ có hiệu lực hôm 5/12 đã gây ra những xáo trộn rõ rệt trong nguồn cung nhiên liệu của Hungary. MOL không thể làm gì nếu không có xăng nhập khẩu", Gulyas nói thêm.
Liên minh các nước phương Tây do G7 dẫn dắt đã đạt được thỏa thuận về mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ Nga nhằm hạn chế nguồn thu từ năng lượng của Nga cũng như khả năng tài trợ cho chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine. Mức giá trần có hiệu lực từ ngày 5/12, cùng thời điểm với lệnh cấm vận mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với vận chuyển dầu thô Nga bằng đường biển tới khối này.
Truyền thông Hungary đăng tải hình ảnh những chiếc ôtô xếp dài hàng trăm mét tại các trạm đổ xăng trên toàn quốc hôm 6/12, trong khi nhiếp ảnh gia AFP ghi nhận hầu hết các máy bơm không hoạt động tại một số trạm ở thủ đô Budapest.
Giám đốc điều hành MOL, Gyorgy Bacsa, nói rằng "tình hình nguồn cung rõ ràng rất quan trọng, nhu cầu đã tăng vọt, người tiêu dùng đang tích trữ và hoảng loạn mua hàng đã bắt đầu".
"Toàn bộ mạng lưới của chúng tôi đang thiếu hụt một phần sản phẩm và 1/4 số trạm xăng của chúng tôi đã hoàn toàn trống rỗng", ông nói, thêm rằng tình trạng thiếu nhiên liệu là do nhiên liệu nhập khẩu giảm 30%, cũng như việc bảo trì tại một trong các nhà máy lọc dầu của MOL, và sẽ mất "vài tuần" để giải quyết.
Theo Hiệp hội Các trạm xăng độc lập Hungary, việc chính phủ quy định mức trần giá đối với sản phẩm nhiên liệu cho phương tiện giao thông đã khiến các công ty nước ngoài cắt giảm chuyến hàng nhiên liệu đến nước này.
Tháng 11/2021, Budapest ban hành mức giá cố định khoảng 1,17 euro (1,22 USD) cho mỗi lít nhiên liệu loại 95. Mức giá này được xem xét ba tháng một lần, gia hạn lần cuối vào tháng 9 và có hiệu lực cho đến cuối năm nay.
Chính phủ cho biết trần giá, được áp dụng đối với loạt loại thực phẩm cơ bản cũng như nhiên liệu, nhằm hỗ trợ nền kinh tế và kiềm chế lạm phát tràn lan. Theo Eurostat, lạm phát hàng năm ở Hungary là 21,6% trong tháng 10, mức cao nhất kể từ năm 1996 và cao thứ ba ở EU.
Tuy nhiên, Thống đốc ngân hàng trung ương Hungary Gyorgy Matolcsy cho rằng việc giới hạn giá nhiên liệu và thực phẩm khiến lạm phát tăng thêm "3-4%". Matolcsy, thường được coi là đồng minh của Thủ tướng Orban, cũng kêu gọi rút lại giới hạn giá.
Bên cạnh những khó khăn kinh tế, suy thoái đang rình rập Hungary với GDP giảm 0,4% trong quý thứ ba và đồng nội tệ forint giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng euro trong năm nay.
Tuần trước, giám đốc điều hành EU khuyến nghị rằng khoản viện trợ hơn 14,6 tỷ USD cho Hungary sẽ bị giữ lại vì những lo ngại về tham nhũng và pháp quyền. "Hungary đang ở trong tình trạng gần như khủng hoảng", Matolcsy nói.
Động thái hủy áp giá trần giá xăng của Hungary diễn ra một ngày sau khi nước này chặn gói viện trợ 19 tỷ USD cho Ukraine để gây áp lực với EU, khiến châu Âu thêm chia rẽ giữa xung đột. Đây là một trong nhiều sáng kiến của EU đang bị Hungary ngăn cản, khi Thủ tướng Orban tìm cách gây sức ép với khối để giải phóng gói viện trợ 14,6 tỷ USD.
Huyền Lê (Theo AFP)