![]() |
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Đ.X. |
VKS cũng đề nghị tuyên phạt tội buôn lậu và mua bán tài liệu với Phạm Quang Mậu, nguyên chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương, An Giang, mức án 18-20 năm; Nguyễn Minh Hưng và Lê Minh Phượng, nguyên giám định viên công ty giám định Vinacontrol: 7-9 năm tù.
22 bị cáo còn lại, có nhiều người nguyên là cán bộ hải quan và nhân viên kiểm định của các cơ quan kiểm định, bị đề nghị mức án từ 18 tháng tù treo đến 12 năm tù giam, cho các tội buôn lậu, đưa, nhận hối lộ, mua bán tài liệu, cố ý làm trái...
Trước đó, phát biểu quan điểm luận tội, đại diện VKS đã rút truy tố hoặc chuyển sang tội danh khác nhẹ hơn cho một số bị cáo đã bị truy tố về 3 tội: đưa hối lộ, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Theo bản luận tội của VKS, đây là vụ án mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo phạm tội có tổ chức, cấu kết chặt chẽ với nhau. Một số bị cáo nguyên là cán bộ công chức nhà nước, sĩ quan quân đội, hải quan đã lợi dụng nhiệm vụ, chức trách được giao trong việc quản lý, bảo vệ biên giới cửa khẩu để tiếp tay và che giấu tội phạm, với thủ đoạn hết sức tinh vi. Hành vi của các bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến chính sách pháp luật, kinh tế, thương mại của đất nước, trong mua bán hàng hóa qua biên giới, gây thiệt hại, thất thu ngân sách với số tiền lớn...
VKS nhận định, năm 1996, Trần Thế Hùng cùng vợ là Phạm Thị Ánh thành lập doanh nghiệp tư nhân Nhật Giang, có chức năng kinh doanh và vận chuyển xăng dầu, trụ sở đặt tại phường Mỹ Bình, Long Xuyên, An Giang. Hùng và Ánh đã nhiều lần hợp đồng vận chuyển xăng dầu từ Việt Nam sang cho Công ty IBT Campuchia, nên có quen biết với NguonHien, giám đốc IBT; Phạm Quang Mậu và Nguyễn Văn Dũi, đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang).
Từ năm 1998 đến 2002, Trần Thế Hùng, Phạm Quang Mậu và các đồng phạm đã cấu kết với nhau, lợi dụng chủ trương của nhà nước trong việc cho phép tạm nhập, tái xuất xăng dầu sang Campuchia, thực hiện 47 chuyến buôn lậu với khối lượng xăng dầu lên đến trên 30.464, trị giá trên 5,2 triệu USD. Ngoài ra, Trần Thế Hùng còn bàn bạc với Lê Hồng Long (nguyên phó giám đốc chi nhánh vũng tàu thuộc công ty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển), Nguyễn Minh Hưng, Lê Minh Phượng bơm tráo nước vào 2 tàu tái xuất, lấy được 3.000 tấn dầu DO, trị giá gần 8,3 tỷ đồng, để lại Việt Nam tiêu thụ, thu lợi 2,2 tỷ đồng...
Trong vụ án này, Hùng đóng với vai trò chủ mưu, cầm đầu còn Phạm Quang Mậu giữ vai trò quyết định. Theo VKS, nếu không có việc tiếp tay của Mậu với tư cách là chi cục trưởng chi cục hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương thì Hùng và các đồng phạm khác không thể thực hiện trót lọt hành vi buôn lậu. Đối với các bị cáo khác nguyên là nhân viên giao nhận hàng, thuyền viên trên tàu AH, Nhật Giang của công ty Thành Phát, mặc dù nhận thức rõ việc làm của Hùng là buôn lậu xăng dầu nhưng vì cuộc sống, vì gia cảnh quá khó khăn nên tiếp tay cho Hùng buôn lậu.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục làm việc với phần bào chữa của các luật sư.
L.B.