![]() |
Hùng Sơn có thể hình và thể lực rất tốt. |
Ưu thế hoàn toàn thuộc về Hùng Sơn trong trận chung kết đơn nam, khi tay vợt này có thể hình tốt (1m73), kỹ thuật cơ bản ổn định, rất thuần thục trong các cú đánh từ cuối sân,... Hơn thế, anh vừa hạ hạt giống số một của giải này là Thangaraja (Sri Lanka) trong trận bán kết nên tinh thần vô cùng phấn khích. Ngay từ đầu cuộc so tài, Hùng Sơn chủ động đẩy cao tốc độ trận đấu lên cao với ý đồ sử dụng sức mạnh của mình hạ gục nhanh đối thủ. Nhưng tay vợt nhỏ bé Hoàng Nam đến từ Kiên Giang cũng không phải là một đối thủ dễ chịu. Mặc dù bị đối phương đẩy vào thế bị động, nhưng Nam vẫn liên tục sử dụng sở trường lên lưới cắt bóng của mình để rượt đuổi tỷ số. Tuy nhiên, ván đấu đầu tiên thắng lợi vẫn thuộc về Hùng Sơn khi anh thắng 6/4 bằng những cú đánh thuận tay rất hiểm hóc vào góc xa.
Điểm yếu cố hữu của các VĐV trẻ là tâm lý thi đấu được thể hiện rõ ràng, khi Hoàng Nam không vượt qua được sức ép của khán giả, và từ phía đối phương. Nam gác vợt ở ván đấu thứ hai với tỷ số 3/6, đành nhìn chức vô địch giai đoạn một thuộc về Hùng Sơn. Sau trận chung kết này, Hùng Sơn và Hoàng Nam được lựa chọn là hai hạt giống hàng đầu của giải để thi đấu tiếp giai đoạn 2, cũng tại trung tâm TDTT quốc phòng 2 (TP HCM). Nếu tiếp tục giữ vững phong độ như hiện nay, cả hai nhiều khả năng sẽ được chọn đại diện khu vực 2 chuyển sang khu vực 1 thi đấu. Đây sẽ là cơ hội cọ xát tuyệt vời vì trong khu vực 1 có sự góp mặt của những tài năng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,...
Ngoài hai tay vợt nam này đạt được thành công tương đối về chuyên môn, tất cả các tài năng còn lại của đội chủ nhà đều không vượt qua được các VĐV đến từ quốc gia có mặt bằng trình độ quần vợt không bằng Việt Nam như Sri Lanka. Gây thất vọng nhiều nhất là hai VĐV nữ Ái Vân, Lam Anh thuộc chương trình Thế hệ vàng của thể thao TP HCM. Họ thi đấu dưới sức mình, mặc dù đã trải qua gần một năm tập luyện trong các trung tâm huấn luyện quần vợt chuyên nghiệp tại Australia.
Nguyễn Tuấn