
Hulk ăn mừng khi ghi bàn cho Atletico Mineiro, nơi anh thi đấu từ 2021 sau nhiều năm bôn ba ở châu Âu và châu Á.
Gửi Atletico Mineiro thân yêu,
Đây là lá thư từ anh chàng có tên Givanildo, đến từ Campina Grande, bang Paraiba. Trên sân cỏ, mọi người biết tôi với cái tên "Hulk".
Hôm nay là sinh nhật của Galo - chú gà trống linh vật tròn 117 tuổi! Và suốt nhiều ngày qua - không, phải nói là nhiều tuần rồi - tôi vẫn luôn nghĩ xem mình có thể tặng món quà gì cho CLB đã luôn tin tưởng và đặt trọn niềm tin nơi tôi.
Thật khó nghĩ, bởi món quà ấy sẽ phải lớn đến nhường nào mới có thể tương xứng với tất cả những điều tuyệt vời mà Atletico và người hâm mộ nơi đây đã dành cho từ ngày đầu tiên tôi đặt chân tới đây, bốn năm về trước? Có món quà nào trên đời này tôi có thể đi mua, gói lại và trao cho các bạn được không? Một món quà chí ít có thể sánh với tình yêu mà các bạn trao tặng tôi trong từng trận đấu? Tình yêu ấy, bạn biết mà, chính là điều khiến tôi - dù khi đồng hồ gần điểm phút 90, khi cơ thể đã rã rời - vẫn bỗng dưng tìm thấy đâu đó 30% năng lượng còn lại, chỉ vì nhìn thấy các bạn quanh mình từ khóe mắt.
Nghe này, tôi muốn nói một điều: từ một cầu thủ từng chơi trên sân đất bụi mù, sân phủ đầy tuyết, cỏ đẹp có, cỏ xấu cũng có. Tạ ơn Chúa... Tôi chưa từng gặp những người hâm mộ nào như các bạn, ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Bởi vậy hôm nay, tôi viết những dòng này để nói lời cảm ơn. Đó là một cử chỉ khiêm nhường, tôi biết chứ, so với tất cả những gì tôi đã nhận được. Nhưng đó là điều chân thành nhất tôi có thể làm.
Tôi muốn cảm ơn các bạn bằng lời viết, và cũng nhân đây kể lại một phần câu chuyện cuộc đời mà ít người biết đến. Tôi vốn là người khá kín tiếng - điều đó đã nằm trong tính cách rồi, mong mọi người thông cảm. Nhưng tôi muốn tận dụng dịp này để thử diễn đạt bằng lời điều mà Galo có ý nghĩa thế nào với tôi. Và để làm được điều đó, trước tiên, ta phải ngược dòng thời gian về Paraiba – nơi mọi thứ bắt đầu.
Khởi đầu.
Tôi chắc đã được gọi là "Hulk" từ khi lên ba hay bốn tuổi, chỉ vì có sở thích nâng hết mọi thứ lên. Tôi không thể nhìn thấy can xăng, bàn bếp, tủ quần áo hay kệ bếp mà không tìm cách nhấc bổng nó khỏi mặt đất.
"Ta là Người Khổng Lồ Xanh đâyyyy!" - tôi hét lên, trong khi bố tôi, ông Gilvan, cười nghiêng ngả. Và thế là biệt danh ấy bám theo tôi luôn. Tôi trở thành "Hulk", trong sự tiếc nuối của bà nội: "Một thằng bé đẹp trai với cái tên còn đẹp hơn mà mấy người lại gọi nó bằng cái tên con quái vật xanh lè đó sao?"
Người bà nào chẳng thế, đúng không?
Với bà, tôi vẫn luôn là Givanildo.
Đó là thời tôi sống ở khu Ze Pinheiro, Campina Grande. Tôi là con trai duy nhất trong gia đình, với ba chị gái và ba em gái. Gia đình tôi thường xuyên chuyển nhà, nhưng vẫn quanh quẩn ở khu vực ấy. Tôi có rất nhiều ký ức tuổi thơ hạnh phúc, nhưng dần dần cũng bắt đầu cảm nhận được những khó khăn mà cả nhà đang trải qua. Có ngôi nhà chúng tôi ở còn chẳng có nhà vệ sinh, chỉ là một cái hố. Bảy đứa trẻ nằm chung trên một cái đệm đôi không giường, còn bố mẹ thì nằm bất cứ chỗ nào còn chừa lại trên nền đất. Chúng tôi không bị đói, nhưng cũng có những ngày chỉ ăn bột trộn đường vào bữa trưa, và bữa tối thì đổi lại là đường trộn bột. Tôi mê ngọt lắm, vì tôi cần năng lượng để đi bộ nữa! Mỗi ngày, tôi phải đi đi về về rất nhiều lần giữa nhà và chợ Trung tâm nơi bố mẹ tôi buôn bán. Đi bộ đến đó mất khoảng nửa tiếng, về thì nhanh hơn chút nếu tôi tranh thủ xuống dốc.
Chắc nhờ mấy chuyến đi đó mà chân tôi mới khỏe, và sút bóng mới mạnh như bây giờ, phải không?
Những pha bóng ấn tượng của Hulk.
Tôi bắt đầu đi chợ như thế từ khi lên bảy. Tôi phải dậy trước khi mặt trời mọc. Nhưng bố tôi còn đi sớm hơn nhiều: ông rời nhà lúc 2h sáng để chuẩn bị mọi thứ cho gian hàng trước khi chợ mở vào lúc 5h. Là con trai duy nhất, tôi phải chạy ra chợ mỗi sáng để xin bố đồng xu một real (gần 5.000 đồng), rồi quay về tiệm bánh mua bánh mì mang về cho cả nhà. Mọi việc phải thật nhanh để còn kịp đến trường. Vào thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư thì sau giờ học tôi được nghỉ một chút rồi đi tập ở Parque da Crianca. Nhưng thứ Năm, thứ Sáu và cả thứ Bảy (những ngày đông khách nhất ở chợ Trung tâm) thì tôi đi làm, phụ giúp bố mẹ ngay sau khi tan học.
Cả bố và mẹ tôi đều bán thịt bò. Vì không có sạp hàng, họ chỉ là nhân viên làm thuê, và mọi việc đều đổ dồn lên vai họ.
Nhận thịt, khuân thịt, xẻ thịt, rửa thịt, bán thịt.
Còn phần việc của tôi là xử lý xương và xác thịt còn lại! Tôi phải vác chúng trên lưng, lên xuống mấy lần để đem đi đổ rác. Ngày nay, khi mọi người khen tôi khỏe và hỏi tôi có tập tạ nhiều không, tôi chỉ cười và đáp: "Tôi đã tập nâng xác bò suốt thời thơ ấu ở chợ Trung tâm rồi đấy!"
Đó là một công việc cực nhọc, đặc biệt là với mẹ tôi - bà Socorro. Bố khi ấy là nhân viên làm công ăn lương, thu nhập khiêm tốn nhưng thời gian làm việc ổn định, từ 5h sáng đến trưa. Mẹ thì phải thuê lại một sạp hàng để bán vào buổi chiều, lúc chợ vắng người. Có những ngày bà mua một phần tư con bò mà bán không hết.
Điều đó khiến mẹ tôi buồn lắm, vì bà không kiếm đủ tiền để trả tiền thuê sạp trong ngày. Tôi còn nhỏ, nhưng không bao giờ quên được hình ảnh mẹ bê bết máu và mỡ, ngồi thụp trong một góc, tuyệt vọng vì không biết xoay xở ra sao. Tôi lén nhìn mẹ từ sau những thùng hàng, tôi cũng đầy máu và mỡ như mẹ và bật khóc vì chẳng làm gì giúp được.
Một biệt danh khác của tôi cũng xuất phát từ thời điểm đó: "Chí con". Nghe có vẻ tự hạ thấp bản thân, vì bố tôi - người buôn thịt bị gọi là "Chí". Mà con của "Chí" thì thành... "Chí con".
"Kìa, thằng Chí con kìa!" là cách người ta hay đùa trên đường khi tôi đi qua. Nhưng tôi không để tâm, vì tôi tự hào mặc bộ đồ dính máu và mỡ như thể đang khoác áo da của cao bồi.
Trong đầu óc non nớt của tôi, vết bẩn đó là minh chứng cho sự chăm chỉ. Tôi thậm chí còn thích đi bộ về nhà với dáng vẻ lấm lem, để người ta chọc ghẹo: "Ê, Chí con! Giỏi đấy!! Chăm làm gớm!!" Đó là điều tôi luôn giữ lại trong ký ức về chợ Trung tâm, nơi tôi học được kỷ luật, trách nhiệm, sự cống hiến và tinh thần hoàn thành đến cùng mọi điều mình đã bắt đầu.
Chính nhờ vậy mà tôi đá bóng như hôm nay.
Ngoài những điều đó, ở chợ Trung tâm còn có một trái bóng. Ý tôi là, có cậu bạn Denilson ở sạp trái cây, và chúng tôi luôn chơi bóng cùng nhau. Cả hai cùng đá cho đội Parque da Crianca, nhưng mỗi khi có thể, chúng tôi đều tranh thủ đến sân sau giờ học để chơi riêng. Từ bóng bổng, đỡ bóng bằng ngực, bằng đùi cho đến những pha nước rút trên cát. Chúng tôi cổ vũ nhau và mơ một ngày sẽ được chơi cho một đội Galo khác - cái tên thân thương của đội Treze de Campina Grande.
Denilson cũng là bạn đồng hành trong lần đầu tiên tôi kiếm được tiền. Khoảng 15h, khi chợ đã thưa người, tôi sẽ chạy đến sạp của Denilson, và bố cậu ấy sẽ nói: "Hulk, mang táo ra đây cho chú!" Chúng tôi sẽ chất lên xe khoảng 30 túi táo, mỗi túi chừng 20 quả, rồi đẩy ra sạp. Nhưng trên đường đi, cả hai sẽ lén lấy mỗi túi một quả để bán riêng.
Sau đó, chúng tôi đi khắp chợ, rao to: "Táo ngon đây! Táo tươi đây! Chỉ có ở đây mới có táo xịn!!"
Mỗi ngày như vậy, chúng tôi kiếm được khoảng bốn real. Số tiền đó đủ để mua bánh ngọt - thứ mà chúng tôi ăn trong nỗi lo bị bố của Denilson phát hiện và (tệ hơn) mách với bố tôi. Mà điều đó thì... đúng là ác mộng. Nhưng cuối cùng mọi thứ cũng vui, và đỡ vất vả hơn việc xử lý thịt rất nhiều. Tôi thích nhớ về niềm vui nhỏ ấy giữa những vất vả của cuộc sống thời đó. Nếu không theo bóng đá, kế hoạch của tôi với Denilson là hợp tác mở một sạp trái cây ở chợ Trung tâm. Nhưng rồi một ngày, bóng đá thật sự đã gọi tên tôi. Mọi chuyện bắt đầu từ lần đầu tiên bố đưa tôi đến sân vận động Amigao - sân bóng chính của thành phố - để xem đội Treze thi đấu.
Tôi hiếm khi được xem thể thao, dù lúc nào cũng gắn bó với quả bóng. Mỗi lần hiếm hoi có dịp xem tivi, tôi nhìn vào màn hình trắng đen mà cứ nghĩ các cầu thủ là... búp bê. Nhưng buổi chiều hôm ấy tại sân Amigao, tôi đã hiểu tất cả. Tôi chưa bao giờ cảm nhận được niềm vui lớn đến thế. Trận đấu thật sự tồn tại! Các cầu thủ là có thật! Mọi thứ đều hiện hữu, sống động, đầy sắc màu!
Chẳng bao lâu sau, tôi gặp một người anh trong khu phố đã trở thành cầu thủ chuyên nghiệp và thành công tại Sao Paulo FC: anh Marcelinho Paraiba. Khi ấy, tôi có một cảm xúc rõ ràng, mãnh liệt và hạnh phúc: "Trời ơi, nếu anh ấy từng là một cậu bé như mình, thì mình cũng có thể trở thành như anh ấy!"
Từ khoảnh khắc đó, tôi lao vào bóng đá như một đứa trẻ vừa được dọn ra một đĩa mì với cá mòi (món khoái khẩu của tôi) và bắt đầu tỏa sáng ở các giải đấu trong thành phố, rồi đến cấp bang. Và rồi chú Ze do Egito xuất hiện - một người bạn của bạn bố tôi ở chợ Trung tâm. Chú có dính dáng đến thế giới bóng đá, và sau một lần tình cờ xem tôi thi đấu, chú bảo sẽ đưa tôi đi thử việc ở các CLB. Khi ấy, nhà tôi khóc rất nhiều, vì mẹ không muốn cho tôi đi: "Nhưng thằng bé mới 12 tuổi thôi, sao có thể để nó đi xa như thế được chứ?! Không được đâu!"
Bố tôi phải hết lời thuyết phục, cam đoan với mẹ rằng chú Ze là người đàng hoàng, tử tế.
Cùng với Ze - người sau này trở thành người đại diện đầu tiên của tôi, tôi bắt đầu những chuyến đi: Joao Pessoa, Vitoria, Sao Paulo. Đến năm 2001, khi mới 15 tuổi, tôi lần đầu tiên đặt chân tới Bồ Đào Nha. Tôi sống một năm tại học viện đào tạo trẻ của CLB Vilanovense, ở thành phố Vila Nova de Gaia - nằm ngay bên kia cây cầu nối với Porto.
Một ngày nọ, khi đang ở học viện, có người gọi tôi ra nghe điện thoại. Là chú Motoca - tài xế xe buýt của đội.
"Hulk à, cháu đang làm gì đấy?"
"Không gì cả, chỉ đang nghỉ ngơi thôi ạ."
"Vậy thì chuẩn bị đi, chú đến đón cháu, có bất ngờ cho cháu đây."
Chú Motoca đưa tôi đến sân Estadio das Antas, nơi Porto chuẩn bị đá một trận ở Cup UEFA. Tôi vẫn nhớ rõ như in, như thể mới hôm qua, vì những gam màu rực rỡ hôm đó đã in sâu vào tâm trí tôi. Tôi ngỡ ngàng, nổi hết da gà. Chưa bao giờ tôi được vào một sân vận động to đẹp đến thế. CĐV thì cuồng nhiệt đến mức tôi phải hét lên:
"Chú Motoca ơi, một ngày nào đó cháu sẽ chơi bóng ở đây!"
"Hả?"
"CHÁU SẼ CHƠI Ở ĐÂY, CHÚ MOTOCA!!"
Mọi thứ cứ như mơ: vạn vật xung quanh trở nên mờ nhạt, chỉ còn lại niềm tin sắt đá và khát khao cháy bỏng của tôi rằng một ngày nào đó, tôi sẽ có mặt trên sân cỏ ấy.

Hulk mừng chức vô địch Europa League trong màu áo Porto.
Luôn luôn tin tưởng!
Nhưng trước khi điều đó thành hiện thực, tôi và Ze do Egito đã còn phải đi rất nhiều nơi. Khi trở lại Brazil vào năm ấy, chú đưa tôi đến thử việc tại Sao Paulo FC. Tôi tập luyện với đội trẻ trong sáu tháng, và khi hết thời gian thử việc, họ muốn ký hợp đồng với tôi. Nhưng chú Ze bảo: "Trước hết, tôi từng hứa với Hulk rằng bất kỳ CLB nào ký hợp đồng với cậu ấy thì phải mua cho bố mẹ cậu ấy một ngôi nhà ở Campina Grande trị giá 50.000 real."
Phía Sao Paulo trả lời rằng họ không thể đáp ứng điều kiện đó. Và đúng như lời hứa, chú Ze do Egito đã đưa tôi trở về Paraiba.
Chỉ một tháng sau, tôi đến Bahia để thử việc với CLB Vitoria. Ngay ngày đầu tiên, tôi đá ở vị trí tiền vệ trái và ghi ba bàn. Ngày thứ hai, tôi ghi thêm hai bàn. Ngày thứ ba, thêm hai bàn nữa. Sau buổi tập hôm đó, HLV bảo tôi ra khỏi sân, đi thẳng tới văn phòng giám đốc. Tôi còn thở hổn hển, chưa kịp nói câu nào thì giám đốc đã nói một mạch: "Chúng tôi đã đồng ý mua nhà cho bố mẹ cậu, và sẵn sàng chuyển tiền ngay. Nếu cậu muốn ở lại đây, chúng tôi sẽ gọi người đại diện của cậu và ký hợp đồng".
Đó là một bản hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp, với mức lương 500 real mỗi tháng! Khi ấy tôi mới 16 tuổi. Tôi lập tức gọi về nhà: "Mẹ ơi!! Nhà mình sắp thành triệu phú rồi!! Họ trả con 500 real mỗi tháng! Con sắp thành cầu thủ chuyên nghiệp rồi! Từ nay bố mẹ sẽ không bao giờ phải trả tiền thuê nhà nữa, và các chị chỉ ăn bột với đường để tráng miệng, chứ không phải vì không có cái gì khác!"
"Nhưng 500 real là nhiều lắm đấy con à. Con định tiết kiệm kiểu gì?"
"Con sẽ gửi hết về cho mẹ, mẹ đừng lo."
Kỳ nghỉ đầu tiên, tôi quay lại Campina Grande, và bố mẹ, các chị tôi đã chuyển đến sống trong ngôi nhà nhỏ mới. Ngôi nhà ấy đến giờ vẫn thuộc về gia đình tôi. Chúng tôi gọi nó là "Nông trại". Ở đó có cây chanh và cây điều để hái làm nước uống, có thể tắm trong cái "bể chứa nước". Đôi khi mọi người nói đùa là sẽ bán nhà, nhưng tôi biết chắc họ sẽ không bao giờ làm vậy. Ngôi nhà ấy là một biểu tượng lớn. Nó nhắc cả gia đình tôi nhớ đến những điều không thể và không nên lãng quên.
Tôi chỉ ở Vitoria khoảng một năm. Và rồi hành trình quốc tế của tôi bắt đầu. Tôi đến Nhật Bản, nhận mức lương mà tôi tưởng là cao - 3.000 USD mỗi tháng - nhưng lúc đầu gần như không tiết kiệm được gì, vì chi phí sinh hoạt ở đó quá cao. Ở Nhật, tôi đã áp dụng một bài học quý báu từ chú Ze do Egito.
Một lần chú gọi cho tôi và nói: "Nghe kỹ này, nhóc. Một người kiếm 100.000 nhưng tiêu 120.000, và một người kiếm 10.000 nhưng chỉ tiêu 1.000 thì ai giàu hơn?"
"Hở?"
"Nhớ kỹ điều này, vì chú chỉ nói một lần thôi: luôn luôn tiết kiệm 70% những gì con kiếm được."
Nhưng rồi, Nhật Bản trở thành nhiều hơn cả chuyện tiền bạc với tôi. Đó là nơi tôi trưởng thành, học được những giá trị sâu sắc.
Ngày đầu tiên chuyển đến Kawasaki, hàng xóm bên cạnh đến cắt cỏ trước cửa nhà tôi. Ông ấy chẳng nói gì cả. Sau đó, tôi mới biết đó là một hành động chào mừng thường thấy ở người Nhật. Tôi choáng ngợp - chưa từng thấy điều gì đẹp như thế. Rồi chúng tôi trở thành bạn. Dù chẳng ai nói được tiếng Anh, chúng tôi vẫn tìm ra cách để hiểu nhau. Ông ấy đến xem tôi thi đấu, rủ tôi đi tham quan đây đó, dạy tôi vài câu tiếng Nhật. Còn tôi mời ông ấy sang nhà ăn cơm - và tôi nấu món đậu, món Brazil mà ông ấy thích nhất.
Nhân tiện, tôi chỉ học nấu đậu ở Nhật vì... bắt buộc. Trước đó tôi chỉ biết nấu cơm với trứng chiên. Vì lương không đủ để ăn nhà hàng mỗi ngày, tôi phải tự xoay xở. Có lần, trước buổi tập, tôi chỉ còn mấy lát bánh mì cũ - đã mốc - với một quả trứng. Tôi bẻ phần mốc ra, chiên trứng trên vỉ nướng, và đó là bữa trưa của tôi. Lúc tập, tôi choáng váng vì đói, và hiểu ra không thể tiếp tục ăn như vậy. Về nhà, tôi lập tức gọi mẹ. Tôi bật webcam lên, và mẹ dạy tôi từng bước cách nấu đậu. Từ đó, tôi không bao giờ phải đến sân tập trong tình trạng đói bụng nữa. Và món đậu trở thành "đặc sản" của đầu bếp Hulk.
Tôi sống ở Nhật từ 2005 đến 2008 - một nơi tuyệt vời với những con người tuyệt vời. Khi tôi chuẩn bị hành lý để sang châu Âu, với mức lương cao hơn nhiều so với con số 3.000 USD ngày nào, tôi rút ra một điều: có tiền là tốt, nhưng học được những giá trị như khiêm nhường, tình bạn và sự sẻ chia - những điều người Nhật vô cùng trân trọng - còn quý hơn nhiều.
Bảy năm sau cái ngày tôi nói với chú Motoca rằng tôi sẽ chơi bóng cho Porto, Atletico Madrid đưa ra lời đề nghị hấp dẫn. Nhưng trong tim tôi vẫn luôn mang theo hình ảnh ấy, nên tôi chẳng mất đến một giây để quyết định: "Dĩ nhiên là Porto rồi!"
Tôi đến Bồ Đào Nha và bị chế giễu đủ kiểu. Sân vận động khi ấy không còn là Antas mà là Dragao, nhưng bầu không khí ở CLB vẫn như xưa. Còn tôi vẫn vậy: một kẻ vô danh với cái tên nghe như siêu anh hùng. Tôi còn nhớ mấy nhà báo đùa: "Hulk đến rồi, vậy bao giờ thì Người Nhện tới? Và CLB đã ký hợp đồng với Người Dơi chưa?"
Nghe cũng đau lắm, nhưng biết làm sao bây giờ?
Thế là trong buổi tập đầu tiên, tôi làm một điều gì đó. Lúc ấy có Quaresma, Lucho Gonzalez, Bruno Alves, Cristian Rodriguez và nhiều người nữa. Tôi nhận bóng ở giữa sân, đẩy lên một nhịp và sút: BUM! - cú sút chân trái vào đúng góc chết khung thành. Cả sân im lặng hoàn toàn. Và mọi người đã biết phần còn lại của câu chuyện...

Hulk trong đám cưới với người vợ thứ hai Camila Angelo - vốn là cháu của vợ cũ.
Tôi từng trải qua một mùa giải ở Porto ghi 42 bàn và kiến tạo 25 bàn - chỉ kém Lionel Messi đúng hai pha kiến tạo. Tôi cùng CLB vô địch Europa League, giải VĐQG Bồ Đào Nha, Cup Quốc gia và Siêu Cúp. Ngày nay, nếu bạn tới bảo tàng của Porto, bạn sẽ thấy có tượng của tôi ở đó - thêm một lý do khiến tôi vô cùng tự hào về sự nghiệp của mình.
Porto là ngôi nhà thứ hai của tôi, vì vậy khi chuyển sang Zenit tại Nga, tôi từng muốn rời đi ngay sau mùa đầu tiên. Trong đội có sự ganh ghét từ một số cầu thủ lớn tuổi, và tôi cũng đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc từ CĐV đối phương.
Có lần, người ta còn đặt một quả bom giả cùng tờ giấy ghi "Hulk cút đi" ở trung tâm huấn luyện. Tôi vượt qua tất cả, ở lại bốn mùa giải, giành danh hiệu và có cuộc sống tốt ở Nga. Cho đến khi làn sóng bùng nổ của bóng đá Trung Quốc đến, và tôi không thể từ chối lời đề nghị từ Thượng Hải. Cả tôi và Chủ tịch Zenit đều không thể từ chối. Đó là bản hợp đồng tốt nhất cuộc đời tôi.
Tôi không biết sẽ chờ đợi điều gì ở Trung Quốc, nhưng tôi đã không thất vọng. Đất nước này tuyệt vời, an toàn, người dân thân thiện, bóng đá ngày càng cạnh tranh với nhiều cầu thủ Nam Mỹ và châu Âu chất lượng. Duy chỉ có điều, tôi không muốn đó là điểm kết thúc. Tôi không muốn hoàn thành 5 mùa như hợp đồng đã ghi, rồi dừng lại ở tuổi 34, mang trong lòng cảm giác trống rỗng - thứ tôi từng cảm nhận kể từ ngày rời khỏi Vitoria mười lăm năm về trước.
Tôi muốn trở về Brazil - nơi mọi thứ bắt đầu.
Và đó là khi Atletico bước vào cuộc đời tôi.
Đó là cuối năm 2020, tôi đang ở Campina Grande, nghỉ ngơi và suy nghĩ về bước tiếp theo sau khi rời Trung Quốc. Nếu hôm đó điện thoại không reo, và ở đầu dây bên kia không phải là Rodrigo Caetano - Giám đốc thể thao của Atletico - hỏi rằng: "Cậu có muốn đến đây không?", thì có lẽ giờ này tôi đã đang chơi bóng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi sẽ thi đấu thêm hai hoặc ba năm, rồi sống phần đời còn lại với cảm giác dang dở, tiếc nuối vì một khoảng trống mà mọi danh hiệu cũng không thể lấp đầy.
Nhưng chiếc điện thoại đã reo. Và tôi đã lập tức trả lời: "Vâng!"
Tôi biết chặng đường phía trước ở Belo Horizonte sẽ không dễ dàng. Nhưng Galo đã cho tôi cơ hội để thực hiện giấc mơ được chơi bóng đỉnh cao cho chính đồng bào của mình.
Khi đến Cidade do Galo, tôi được phát một cuốn tạp chí về lịch sử CLB và tôi đọc ngấu nghiến từ đầu đến cuối. Tôi lật từng trang, và trước mắt mình là toàn những siêu anh hùng thực sự như Eder Aleixo và Reinaldo.
Lúc đó tôi đã 34 tuổi, nhưng lòng háo hức chẳng khác gì tuổi 18. Tôi có một khao khát mãnh liệt: được xuất hiện trong chính cuốn tạp chí ấy. Và tôi luôn tin điều đó là khả thi bởi có một điều tôi đã học được từ Campina Grande, và càng thấm thía hơn nữa nơi đây, nhờ niềm tin bất khuất của người hâm mộ Galo: chỉ những ai tin tưởng từ phút đầu tiên đến phút cuối cùng mới có thể chiến thắng trong cuộc sống. Và rằng chỉ có những CLB thật sự vĩ đại mới không ngừng mở rộng trái tim mình để đón nhận những thần tượng mới.
Tôi đã khoác áo một trong những CLB lớn nhất thế giới, lớn nhất Minas Gerais và mọi chuyện giờ phụ thuộc vào chính tôi.
Mùa đầu tiên năm 2021 là một giấc mơ tuyệt đẹp. Chúng tôi vô địch Mineiro, vô địch quốc gia Brazil và đoạt luôn Cúp Quốc gia. Nhưng với tôi, niềm vui ở Galo chưa bao giờ phụ thuộc vào danh hiệu. Dĩ nhiên, danh hiệu rất quan trọng- tôi thức dậy mỗi ngày đều muốn nâng cao một chiếc cúp và chạy đến chia vui cùng người hâm mộ. Nhưng Atletico mang lại cho tôi nhiều hơn thế rất nhiều.
Có một ngày, tôi chợt nhận ra khoảnh khắc bước vào sân Mineirao trong màu áo sọc trắng đen, nghe khán giả hát không ngừng nghỉ, thấy bố tôi mặc bộ đồ Hulk và nhảy nhót như một đứa trẻ trên khán đài... là những cảm xúc kỳ diệu. Bởi nó đưa tôi trở về với niềm hạnh phúc thuần khiết của thời niên thiếu. Như lúc kéo xe táo với Denilson. Như lúc về nhà với quần áo đầy máu, đầu ngẩng cao sau một ngày vác xác bò ở chợ. Hay chỉ đơn giản là ngồi trên vỉa hè khu phố, uống ly nước mát lạnh.
Nếu một cậu bé từng làm việc quần quật ở chợ Trung tâm, nơi vùng quê Paraíba, mà còn có thể đi xa đến thế này, thì bạn cũng có thể biến giấc mơ của mình thành hiện thực.
Hãy luôn tin tưởng!
Tôi tin rằng con đường của tôi ở Belo Horizonte vẫn còn dài, và vẫn còn nhiều điều phải chinh phục. Và một ngày nào đó, khi tôi giải nghệ, ngồi bên bố mẹ và các con, nâng ly rượu cùng vợ, vừa xem trận đấu của Atletico trên tivi, tôi sẽ nhớ biết bao niềm vui mà CLB này đã mang lại cho tôi.
Từ những cổ động viên không bao giờ ngừng tin tưởng.
Từ ngày tôi tin rằng mình sẽ có mặt trong cuốn tạp chí những huyền thoại của Atletico.
Galo thân yêu của tôi, hôm nay là sinh nhật của bạn - nhưng món quà thực sự thuộc về chúng tôi, những người may mắn được sánh bước bên bạn, cùng viết tiếp những trang sử mới. Tôi xin dâng tặng tất cả lòng biết ơn của mình qua món quà nhỏ bé này và chừng nào đôi chân tôi còn đủ sức leo đồi, tôi vẫn sẽ luôn khát khao chiến thắng, chiến đấu hết mình và không ngừng tin tưởng.
Chúc mừng sinh nhật, Atletico Mineiro!
Aqui é Galo!!
Feliz aniversário!!!
Một cái ôm thật chặt,
Hulk
Thịnh Joey dịch