Sáng 30/1, ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh văn phòng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tượng đài, biểu tượng kiến trúc và vườn tượng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo quy hoạch, thành phố Huế sẽ xây dựng một tượng đài, một tranh hoành tráng, hai tượng, tám biểu tượng kiến trúc nghệ thuật và bốn vườn tượng. Trong đó khu vực Cồn Hến (phường Vỹ Dạ) sẽ có tượng đài Công chúa Huyền Trân và tranh hoành tráng lịch sử, văn hóa Chămpa thuộc loại nhóm A1, quy mô đầu tư 130 tỷ đồng. Tượng đài nhóm A1 có kích thước nhân vật cao từ 9m trở lên; tranh hoành tráng nhóm A1 có chiều dài từ 9m trở lên.
Hai tượng nằm bên bờ sông Hương là tượng chúa Nguyễn Phúc Nguyên tại công viên phía Bắc sông Hương đường Kim Long; tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong Không gian vườn Trịnh tại bãi bồi Lương Quán, phường Thủy Biều.
Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tượng đài công chúa Huyền Trân Công là một trong 7 công trình ưu tiên đầu xây dựng bên cạnh tượng đài Nguyễn Tri Phương tại khu quy hoạch Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Phong Điền.
Công chúa Huyền Trân (1287-1340) là con gái vua Trần Nhân Tông và hoàng hậu Thiên Cảm, em gái của Trần Anh Tông. Sách Việt sử giai thoại viết: "Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), thực hiện lời hứa của thượng hoàng Trần Nhân Tông, vua Trần Anh Tông đem công chúa Huyền Trân gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân. Đáp lại, Chế Mân đã đem đất hai châu Ô và Lý - vùng tương ứng với phần phía Nam tỉnh Quảng Trị và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay - dâng cho Đại Việt làm sính lễ". |