Những ngày này, hệ thống bờ kè trong tiếp giáp tuyến phòng lộ của hộ thành hào mặt Nam Kinh thành Huế với chiều dài hơn 2 km đang được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiến hành tu bổ. Hạng mục này do Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung thi công.
Hồ sơ dự án tu bổ ghi rõ bảo tồn nguyên trạng những đoạn kè còn tốt; hạ giải, tu bổ những đoạn kè hư hỏng vừa và nhỏ. Lòng hào được nạo vét 0,6 m, đất thải chuyển đến vị trí quy định. Tuyến phòng lộ được san nền, trồng cỏ 3 lá, lát tuyến đường dạo bằng gạch Bát Tràng rộng khoảng 1,6 m.
Tuy nhiên, đơn vị thi công bờ kè mặt nam kinh thành Huế đoạn từ Nam Minh Đài đến cửa Quảng Đức thay vì hạ giải đá gan gà theo phương pháp thủ công, đã dùng máy móc để tháo dỡ lớp đá. Họ cũng không tu bổ, giữ nguyên hiện trạng lớp đá gan gà theo kỹ thuật xếp khan như người xưa mà đổ bê tông cốt thép, sử dụng đá granit thay thế đá gan gà.
Từ tháng 8/2018 đến nay, đơn vị thi công đã tu bổ xong một km bờ kè mặt trong đoạn từ Nam Minh Đài đến cửa Quảng Đức. Phần chân móng bờ kè được bê tông hóa cốt thép, thân kè được xây dựng mới bằng đá granit kết hợp với đá gan gà từ công trình bờ kè cũ. Độ dày của bờ kè 0,9 m, độ cao trung bình 3 m.
Đá gan gà của công trình bờ kè cũ cũng được đơn vị thi công tái sử dụng ở một số đoạn kè gần cửa Quảng Đức. Giữa lòng hộ thành hào vẫn còn nhiều đá gan gà nằm lẫn trong những đống bùn.
Ông Lê Văn Quảng, nguyên Giám đốc Phân viện Khoa học - Công nghệ miền Trung, người chủ trì thiết kế phương án tu bổ lý giải, đơn vị đã đi khảo sát bờ kè kinh thành Huế, khu vực từ Nam Bình Đài đến cửa Quảng Đức bị sụt lún nặng. Để đảm bảo tính lâu bền của công trình, đơn vị phải chọn phương án hạ giải toàn bộ bờ kè, đổ bê tông cốt thép phía dưới chân móng, dùng đá granit để thay thế đá gan gà bị phong hóa, không tái sử dụng được. Riêng những phiến đá gan gà còn tốt được sử dụng xen kẽ với đá granit ở mặt ngoài của bờ kè.
"Phương pháp xếp đá khan như người xưa ngày nay không thể thực hiện được khi số lượng đá gan gà của công trình sau 200 năm đã bị phong hóa nhiều, không có vữa kết dính như ngày xưa. Phương án mà đơn vị thực hiện tu bổ bờ kè hiện nay là tối ưu đảm bảo tính lâu bền của công trình", ông Quảng nói.
Ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đố Huế, chủ đầu tư dự án cho biết, ở mặt nam kinh thành Huế hiện có 12 điểm tường thành nứt nẻ, những điểm này trùng khớp với điểm bờ kè sạt lở. Việc hạ giải toàn bộ bờ kè, tu bổ lại bằng đá granit kết hợp với đá gan gà của công trình cũ sẽ tạo sự chắc chắn, lâu bền, bảo vệ kết cấu của tường thành kinh thành Huế.
"Sắp tới, khi thi công đoạn kè từ cửa Ngăn đến cửa Thượng Tứ, chúng tôi sẽ giữ lại nguyên trạng các đoạn kè gốc ổn định và có phương pháp bảo tồn. Riêng điểm sạt lún nặng vẫn phải phương pháp thi công như hiện nay", ông Tuấn nói.
Năm 2011, tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh Thành Huế với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Theo quyết định dự án được thực hiện từ năm 2011 đến 2015, trong đó hợp phần tu bổ, tôn tạo di tích do Trung tâm Bảo tồn di tích Huế làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng, hợp phần bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư do UBND TP Huế làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do quy mô dự án lớn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều chỉnh dự án đến năm 2020. Theo đó ngoài việc tu bổ tường thành, các Eo bầu, tu bổ phục hồi Quang Tượng đài, Lầu Bát Phong, phần kè phía trong tiếp giáp tuyến phòng lộ với chiều dài hơn 10 km và bờ kè phía ngoài dài 13 km sẽ được tu bổ, tôn tạo.